Luận cương liên bang số 51

Cấu trúc của chính phủ phải cung cấp các cơ chế kiểm tra và cân bằng thích hợp giữa các cơ quan khác nhau.

Tác giả: Alexander Hamilton hoặc James Madison

Vậy, làm thế nào chúng ta có thể duy trì trong thực tế sự phân chia quyền lực cần thiết đã được xác định trong Hiến pháp? Vì tất cả các biện pháp bên ngoài đã được chứng minh là không đủ, cấu trúc nội bộ của chính phủ phải được thiết kế sao cho các bộ phận của nó có thể, thông qua sự tương tác lẫn nhau, giúp giữ cho mỗi bộ phận ở đúng vị trí của mình. Ở đây, tôi không cố gắng giải thích đầy đủ về ý tưởng quan trọng này mà tôi sẽ đưa ra một số quan sát chung có thể giúp chúng ta đánh giá chính xác hơn các nguyên tắc và cấu trúc của chính phủ được hội nghị đề ra.

Để xây dựng một nền tảng vững chắc cho việc thực thi riêng biệt và rõ ràng các quyền lực khác nhau của chính phủ—mà tất cả đều công nhận là thiết yếu để bảo vệ tự do—rõ ràng rằng mỗi cơ quan chính phủ cần có ý chí độc lập của riêng mình. Vì vậy, có lẽ các thành viên của mỗi cơ quan nên có ít ảnh hưởng nhất có thể trong việc bổ nhiệm các thành viên của các cơ quan khác. Nếu nguyên tắc này được tuân thủ nghiêm ngặt, nó sẽ yêu cầu rằng tất cả các bổ nhiệm vào các chức vụ hành pháp, lập pháp và tư pháp tối cao phải được rút ra từ cùng một nguồn quyền lực, đó là nhân dân, thông qua các kênh hoàn toàn tách biệt.

Có lẽ kế hoạch thiết kế các cơ quan này sẽ dễ thực hiện hơn trong thực tế so với lý thuyết. Tuy nhiên, vẫn có một số khó khăn và chi phí bổ sung đi kèm, vì vậy cần phải chấp nhận một số điều chỉnh đối với nguyên tắc này. Đặc biệt, trong việc thiết kế cơ quan tư pháp, sẽ không khôn ngoan nếu kiên quyết tuân thủ nguyên tắc này. Thứ nhất là vì các phẩm chất đặc biệt là điều kiện cần thiết đối với các thành viên ngành tư pháp, yếu tố quan trọng nhất là chọn phương thức bổ nhiệm sao cho đảm bảo những phẩm chất này. Thứ hai là vì tính chất vĩnh viễn của việc bổ nhiệm sẽ nhanh chóng xóa bỏ cảm giác phụ thuộc vào quyền lực đã bổ nhiệm họ.

Cũng rõ ràng rằng các thành viên của mỗi cơ quan nên độc lập tối đa với các cơ quan khác trong việc quyết định lương bổng và phúc lợi của họ. Nếu các quan chức hành pháp, hoặc các thẩm phán, không độc lập với cơ quan lập pháp trong vấn đề này, sự độc lập của họ trong mọi lĩnh vực khác sẽ bị xâm phạm.

Tuy nhiên, sự bảo vệ lớn nhất chống lại sự tập trung dần dần các quyền lực vào cùng một cơ quan nằm ở chỗ này: trao cho các thành viên của mỗi cơ quan những phương tiện hiến pháp cần thiết và động lực cá nhân để chống lại sự xâm phạm từ các cơ quan khác. Kế hoạch phòng thủ phải tương xứng với mối nguy hiểm từ các cuộc tấn công. Tham vọng phải được dùng để chống lại tham vọng. Lợi ích của cá nhân phải gắn liền với quyền lợi hiến pháp của chức vụ mà họ đảm nhiệm. Có thể đây là một sự phản ánh về bản tính con người rằng một phương pháp như vậy là cần thiết để kiểm soát các lạm dụng của chính phủ. Nhưng chính phủ là gì, nếu không phải là sự phản ánh lớn nhất về bản tính con người? Nếu con người là thiên thần, thì sẽ không cần chính phủ. Nếu thiên thần cai trị con người, thì cũng không cần các kiểm soát bên ngoài hay bên trong đối với chính phủ. Khi thiết kế một chính phủ do con người tạo ra và cai trị con người, khó khăn lớn là ở chỗ này: bạn phải trước hết tạo điều kiện để chính phủ kiểm soát những người bị cai trị, và sau đó bạn phải buộc chính phủ phải kiểm soát chính nó. Kiểm soát chính yếu đối với chính phủ là sự phụ thuộc vào người dân; nhưng kinh nghiệm đã dạy nhân loại rằng cần phải có thêm những biện pháp phòng ngừa.

Phương pháp dựa vào các lợi ích đối lập trong trường hợp thiếu vắng những động cơ tốt hơn có thể được tìm thấy trong tất cả các công việc của con người, từ lĩnh vực tư nhân cho đến công cộng. Chúng ta đặc biệt thấy điều này được thể hiện rõ trong tất cả các phân phối quyền lực phụ, nơi mục tiêu thường xuyên là chia nhỏ và sắp xếp các chức vụ sao cho một chức vụ này có thể kiểm soát chức vụ kia. Lợi ích cá nhân của mỗi cá nhân có thể, theo cách này, trở thành người bảo vệ quyền lợi công cộng. Những sáng kiến thận trọng này không thể thiếu trong việc phân chia các quyền lực tối cao của nhà nước.

Tuy nhiên, không thể trao cho mỗi cơ quan quyền tự vệ ngang nhau. Trong các chính phủ cộng hòa, cơ quan lập pháp là cơ quan mạnh mẽ nhất. Giải pháp cho vấn đề này là chia cơ quan lập pháp thành hai nhánh, và làm cho chúng ít liên kết với nhau nhất có thể thông qua các phương thức bầu cử khác nhau và các nguyên tắc hành động khác nhau. Thậm chí có thể cần phải thực hiện thêm những biện pháp bảo vệ chống lại sự xâm phạm nguy hiểm. Cũng như quyền lực của cơ quan lập pháp yêu cầu phải được chia nhỏ, sự yếu kém của cơ quan hành pháp có thể yêu cầu quyền lực của nó được mở rộng. Quyền phủ quyết tuyệt đối đối với cơ quan lập pháp có vẻ là sự phòng thủ tự nhiên mà cơ quan hành pháp nên có. Nhưng có lẽ điều này sẽ không hoàn toàn an toàn và chính nó cũng không đủ. Trong các trường hợp bình thường, quyền phủ quyết có thể không được sử dụng đủ, và trong các trường hợp đặc biệt, nó có thể bị lạm dụng. Liệu quyền phủ quyết có thể được bổ sung bằng một số sự kết nối giữa cơ quan hành pháp yếu hơn và nhánh yếu hơn của cơ quan lập pháp, giúp nhánh yếu hơn của cơ quan lập pháp ủng hộ quyền hiến pháp của cơ quan hành pháp mà không làm cho nó quá tách biệt với quyền lợi của chính cơ quan lập pháp?

Nếu các nguyên tắc mà những quan sát này dựa trên đó là đúng, như tôi tin là đúng, và nếu chúng được kiểm tra đối chiếu với cả các hiến pháp của các tiểu bang lẫn Hiến pháp liên bang, ta sẽ thấy rằng Hiến pháp liên bang phù hợp với chúng một cách chặt chẽ hơn rất nhiều.

Hơn nữa, có hai yếu tố đặc biệt quan trọng đối với hệ thống liên bang của nước Mỹ, những yếu tố này làm nổi bật hệ thống này một cách rất thú vị.

Thứ nhất: Trong một nước cộng hòa duy nhất, tất cả quyền lực do nhân dân trao cho tập trung vào một chính phủ duy nhất, và các lạm dụng quyền lực được ngăn chặn nhờ vào việc phân chia chính phủ thành các nhánh riêng biệt và độc lập. Trong hệ thống cộng hòa phức hợp của Mỹ, quyền lực do nhân dân trao cho đầu tiên được chia giữa hai chính phủ khác nhau, và sau đó, quyền lực của mỗi chính phủ lại được phân chia tiếp thành các nhánh riêng biệt và độc lập. Do đó, người dân có một sự bảo vệ kép cho quyền lợi của mình. Các chính phủ sẽ kiểm soát lẫn nhau, và đồng thời, mỗi chính phủ sẽ tự kiểm soát chính mình.

Thứ hai: Trong một nước cộng hòa, điều quan trọng không chỉ là bảo vệ người dân khỏi sự áp bức của chính phủ, mà còn là bảo vệ một bộ phận người dân khỏi sự áp bức của bộ phận còn lại. Những lợi ích khác nhau tất yếu tồn tại giữa các tầng lớp công dân khác nhau. Nếu một đa số đoàn kết vì một lợi ích chung, quyền lợi của thiểu số sẽ trở nên không an toàn. Chỉ có hai phương thức để phòng ngừa sự bất công này. Một là tạo ra một ý chí trong cộng đồng mà điều này độc lập với đa số — tức là độc lập với chính người dân. Phương thức còn lại là đảm bảo rằng trong cộng đồng người dân có đủ các nhóm công dân khác nhau để làm cho khả năng hình thành một nhóm đa số áp bức trở nên rất khó xảy ra, nếu không muốn nói là không thể.

Phương thức đầu tiên được áp dụng bởi tất cả các chính phủ có quyền lực kế thừa hoặc tự bổ nhiệm. Điều này, nhiều lắm, cũng chỉ là một sự bảo vệ yếu ớt, vì một quyền lực độc lập với nhân dân có thể ủng hộ cả đa số áp bức lẫn thiểu số chính đáng, và quyền lực đó cũng có thể được sử dụng để chống lại cả hai nhóm. Ngược lại, phương thức thứ hai sẽ được áp dụng trong nước cộng hòa liên bang của Hoa Kỳ. Mặc dù tất cả quyền lực trong đó đều bắt nguồn từ và phụ thuộc vào nhân dân, nhưng chính nhân dân này sẽ được chia thành nhiều bộ phận, lợi ích và tầng lớp công dân khác nhau, khiến quyền lợi của cá nhân hoặc của thiểu số ít bị đe dọa bởi một đa số áp bức.

Trong một chính phủ tự do, sự bảo vệ quyền công dân phải giống như sự bảo vệ quyền tôn giáo. Quyền công dân dựa vào sự đa dạng của các lợi ích, còn quyền tôn giáo dựa vào sự đa dạng của các giáo phái. Mức độ bảo vệ trong cả hai trường hợp phụ thuộc vào số lượng các lợi ích và giáo phái, và điều này lại phụ thuộc vào quy mô của quốc gia và số lượng dân cư trong đó.

Cách tiếp cận vấn đề này rõ ràng làm nổi bật những ưu điểm đặc biệt của một hệ thống liên bang đúng đắn cho một chính phủ cộng hòa thành công. Nó chỉ ra rằng các nhóm đa số áp bức sẽ có khả năng hình thành dễ dàng hơn trong các liên minh riêng biệt và độc lập, hay các tiểu bang riêng lẻ, so với trên toàn lãnh thổ của Liên bang. Phương pháp tốt nhất để bảo vệ quyền lợi của mọi tầng lớp công dân — phương pháp cộng hòa bằng cách nhân rộng các lợi ích — sẽ bị giảm hiệu quả, để chỉ còn lại phương pháp phi cộng hòa đó là tạo ra một ý chí trong cộng đồng vốn độc lập với nhân dân.

Công lý là mục tiêu của chính phủ. Nó là mục tiêu của xã hội dân sự. Công lý luôn được theo đuổi và sẽ tiếp tục được theo đuổi cho đến khi đạt được, hoặc cho đến khi tự do bị mất trong quá trình theo đuổi đó. Trong một xã hội mà phe mạnh có thể dễ dàng hợp lực và áp bức phe yếu, thì hỗn loạn sẽ ngự trị, giống như trong trạng thái tự nhiên, nơi cá nhân yếu hơn phải chịu đựng bạo lực từ cá nhân mạnh hơn. Và cũng giống như trong trạng thái tự nhiên, ngay cả những cá nhân mạnh mẽ cũng vì sự bất an của chính mình đã khiến họ chọn phục tùng một chính phủ nhằm bảo vệ cho tất cả các cá nhân, thì trong một xã hội hỗn loạn, các phe mạnh hơn cũng sẽ lo cho tình trạng bất an của chính mình mà dần dần muốn có một chính phủ để bảo vệ cho tất cả các đảng phái. Nếu tiểu bang Rhode Island tách ra khỏi Liên minh và tự nó tồn tại, sự áp bức từ các phe đa số sẽ thường xuyên làm lộ rõ sự bất ổn về quyền lợi dưới một hình thức chính phủ dân chủ trong một khu vực nhỏ, đến mức chính những phe này sẽ sớm kêu gọi một quyền lực hoàn toàn độc lập với nhân dân để bảo vệ quyền lợi của họ.

Trong nước cộng hòa rộng lớn của Hoa Kỳ, với sự đa dạng lớn về lợi ích, đảng phái và giáo phái, một liên minh của đa số toàn xã hội hiếm khi có thể hình thành trên bất kỳ nguyên tắc nào ngoài công lý và lợi ích chung. Và nếu có ít nguy cơ hơn đến với nhóm thiểu số từ ý chí của nhóm đa số, thì cũng sẽ có ít lý do hơn để bảo vệ quyền lợi của nhóm thiểu số bằng cách đưa vào chính phủ một ý chí mà nó độc lập với nhân dân. Điều này là chắc chắn và quan trọng, mặc dù có sự bất đồng từ một số người, rằng xã hội càng lớn, và miễn là nó vẫn ở trong một phạm vi thực tế, thì khả năng tự quản lý của xã hội đó càng mạnh mẽ. Và may mắn cho sự nghiệp cộng hòa, phạm vi thực tế này có thể được mở rộng rất xa thông qua việc điều chỉnh và kết hợp cẩn thận nguyên tắc liên bang.

Nguyễn Huy Vũ biên dịch. 


Đăng ngày

trong

Thẻ: