Bầu cử Mỹ có thể đẩy nhanh lịch trình chính trị của Tập Cận Bình

Tác giả: Katsuji Nakazawa

Bài học cay đắng từ cuộc đua Clinton-Trump năm 2016 đang vang vọng khắp Bắc Kinh.

Hiện tại, đang có đồn đoán rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể bỏ qua thông lệ và nhanh chóng triệu tập một cuộc họp đảng quan trọng để thảo luận về chiến lược đối phó của Trung Quốc với tổng thống Mỹ tiếp theo.

Cuộc họp được nhắc đến chính là hội nghị trung ương bốn của Ban Chấp hành Trung ương khóa 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc, chuẩn bị diễn ra giữa bối cảnh hỗn loạn của kỳ bầu cử tổng thống Mỹ hiện tại – một cuộc đua giữa Phó Tổng thống đương nhiệm Kamala Harris và cựu Tổng thống Donald Trump.

Suy đoán này cũng xuất hiện ngay sau hai sự kiện chính trị quan trọng của Trung Quốc, bao gồm hội nghị trung ương ba của Ban Chấp hành Trung ương khóa 20 diễn ra vào tháng 7, nơi đặt ra các chính sách kinh tế trung và dài hạn của Trung Quốc.

Sự kiện thứ hai diễn ra vào đầu tháng 8, khi các lãnh đạo đảng đương nhiệm và lão thành tổ chức mật nghị thường niên tại Bắc Đới Hà, một khu nghỉ mát ven biển ở tỉnh Hà Bắc.

Không phải không có lý khi người ta đặt giả thuyết về thời điểm diễn ra hội nghị trung ương bốn, vì hội nghị trung ương ba vừa được tổ chức cũng đã đi chệch khỏi lịch trình chính trị trước đây.

Theo thông lệ, hội nghị trung ương ba của Ban Chấp hành Trung ương thường diễn ra vào mùa thu một năm sau khi ủy ban đầy quyền lực này được bầu tại đại hội toàn quốc của đảng, tổ chức 5 năm một lần.

Ban Chấp hành Trung ương khóa 20 đã được bầu ra vào tháng 10/2022, nhưng hội nghị trung ương ba, đáng lẽ phải được tổ chức vào mùa thu năm ngoái, đã bị trì hoãn hơn 8 tháng.

Cũng theo thông lệ, hội nghị trung ương bốn thường sẽ được tổ chức vào mùa thu một năm sau hội nghị trung ương ba. Nghĩa là mùa thu năm 2025.

Nhưng một nguồn tin trong đảng cho biết những thông lệ trong quá khứ không nhất thiết phải được áp dụng dưới thời chính quyền Tập, và hội nghị trung ương bốn có thể được đề cập và tổ chức sớm một cách đáng ngạc nhiên.

Nguồn tin cũng chỉ ra rằng hội nghị trung ương bốn có thể xảy ra sớm một phần vì đã gần 5 năm kể từ khi hội nghị trung ương bốn khóa 19 diễn ra vào tháng 10/2019.

Vậy tại sao hội nghị trung ương bốn của Ban Chấp hành Trung ương khóa 20 lại được tổ chức sớm? Chủ yếu là vì những gì đang diễn ra ở Mỹ

Nước Mỹ đang tiến tới giai đoạn chuẩn bị cho kỳ bầu cử tổng thống kéo dài sau khi vừa trải qua hai trận động đất chính trị lớn. Sự kiện thứ nhất là vào giữa tháng 7, khi Trump sống sót sau vụ ám sát hụt tại một cuộc vận động tranh cử ở Pennsylvania, ông đã hô vang “chiến đấu! chiến đấu! chiến đấu!” trong lúc được hộ tống ra khỏi sân khấu. Điều này dường như đã tiếp thêm động lực cho ông trong cuộc chạy đua với Tổng thống Joe Biden, 81 tuổi.

Nhưng chỉ một tuần sau đó, Biden đã từ bỏ nỗ lực tái tranh cử mờ nhạt của mình.

Giờ đây, các nhà lãnh đạo chính trị toàn cầu, bao gồm cả những người ở Bắc Kinh, đang gấp rút tìm hiểu bối cảnh chính trị đã được định hình lại ở nước Mỹ.

Các cuộc thăm dò cho thấy ứng viên mới của Đảng Dân chủ, Harris, 59 tuổi và Trump, 78 tuổi, đang ngang ngửa nhau.

Tuy nhiên, bất kể ai đắc cử thì người ta cũng không mong đợi quan hệ Mỹ-Trung đang căng thẳng sẽ được cải thiện đáng kể.

Dù vậy, Trung Quốc vẫn phải điều chỉnh lại chiến lược ứng phó với Mỹ cho phù hợp với thực tế mới của nền chính trị Mỹ.

Điều này tạo ra khả năng Tập sẽ lại bất chấp thông lệ và triệu tập hội nghị trung ương bốn ngay sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào ngày 5/11. Hội nghị có thể được tổ chức trong năm nay, hoặc xung quanh khoảng thời gian lễ nhậm chức của Tổng thống Mỹ tiếp theo vào tháng 1/2025, hoặc sau phiên họp thường niên của Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc, tức Quốc hội Trung Quốc, vào tháng 3 tới.

Đằng sau những đồn đoán về một hội nghị trung ương bốn được tổ chức sớm còn có một bài học cay đắng mà Trung Quốc đã học được từ cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.

Tám năm trước, Bắc Kinh đã lo ngại về khả năng ứng viên Đảng Dân chủ Hillary Clinton, hiện 76 tuổi, đánh bại đối thủ Đảng Cộng hòa Trump và đưa lập trường cứng rắn của bà, đặc biệt là về các vấn đề nhân quyền và sắc tộc ở Trung Quốc, vào Nhà Trắng.

Trung Quốc cho rằng sẽ dễ dàng hơn khi đối phó với Trump, một ông trùm kinh doanh. Thế rồi, Trump lần lượt tung ra các cuộc tấn công bất ngờ nhắm vào Trung Quốc, dẫn đến thương chiến Mỹ-Trung.

Trung Quốc đã phải hứng chịu một đòn giáng nặng nề do phản ứng chậm trễ trước các biện pháp cứng rắn của Trump và họ không thể bị động thêm một lần nữa.

Ngoài vấn đề thời gian tổ chức hội nghị trung ương bốn, Bắc Kinh còn có một vấn đề khác: Chính quyền Tập hiện không có nhân vật chủ chốt thông thạo các vấn đề của Mỹ.

Cho đến hai năm trước, Lưu Hạc, 72 tuổi, đã giữ chức phó thủ tướng phụ trách các chính sách kinh tế vĩ mô và quan hệ kinh tế với Mỹ. Lưu, hiện đã nghỉ hưu, từng đóng vai trò quan trọng trong việc đạt thỏa thuận thương mại “giai đoạn một” với chính quyền Trump. Ông là một trong những trợ lý đáng tin cậy của Tập.

Vì từng học ở Mỹ nên Lưu có mạng lưới quan hệ ở nước này và được cho là một trong số ít chuyên gia Mỹ của chính quyền Tập. Hoặc có lẽ ông là người duy nhất bởi hiện tại không có chuyên gia Mỹ nào có tầm ảnh hưởng như ông trong đội ngũ của Tập.

Về phần Tập, Chủ tịch Trung Quốc có vẻ lo lắng về tình hình hiện tại và được cho là đã tìm kiếm lời khuyên từ Lưu về quan hệ với Mỹ cũng như về các vấn đề khác.

Lưu cũng thỉnh thoảng gặp gỡ các quan chức chính quyền Biden đến thăm Trung Quốc, dù là sau những cánh cửa đóng kín. Lý do là vì đội ngũ của Biden cũng rất muốn biết chuyện gì đang xảy ra đằng sau bức màn tre.

Thật khó để nói liệu Lưu có đưa ra lời khuyên nào cho Tập hay các quan chức Mỹ để giúp hai bên giảm bớt căng thẳng hay không. Chỉ cần nhìn vào chính sách Trung Quốc của Washington, bao gồm cả việc áp thuế trừng phạt đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.

Không ngạc nhiên khi hội nghị trung ương ba hồi tháng 7 đã không đưa ra những thay đổi quan trọng về nhân sự cũng như các chính sách mới nhằm khắc phục tình hình kinh tế tồi tệ hiện nay của Trung Quốc. Các tài liệu chính thức chỉ nhấn mạnh sự cần thiết phải cải cách theo hướng hiện đại hóa kiểu Trung Quốc.

Tập không thể mạo hiểm để thực hiện một sự thay đổi chính sách táo bạo. Bởi làm vậy sẽ tương đương với việc tuyên bố rằng ông đã thất bại trong việc điều hành đất nước kể từ khi trở thành Tổng Bí thư đảng vào năm 2012. Nếu ông thừa nhận bất kỳ thất bại nào, dù là theo cách gián tiếp nhất có thể, thì nó cũng sẽ dẫn đến việc đổ lỗi, giáng một đòn mạnh vào nỗ lực giành nhiệm kỳ Tổng Bí thư thứ tư tại đại hội toàn quốc lần thứ 21 của đảng vào năm 2027. Đây là thực tế khắc nghiệt của nền chính trị Trung Quốc.

Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo quốc gia thường có xu hướng cố gắng vượt qua những bế tắc chính trị trong nước bằng cách đạt được những thành công về mặt ngoại giao. Trung Quốc cũng không ngoại lệ. Về vấn đề này, chuyến thăm gần đây của tân lãnh đạo tối cao Việt Nam Tô Lâm đã giúp Tập ghi điểm chính trị: Trung Quốc là điểm đến công du nước ngoài đầu tiên của Tô Lâm với tư cách là lãnh đạo cao nhất của Việt Nam.

Đối với Trung Quốc, quan hệ với các nước láng giềng là cần thiết, nhưng quan hệ với Mỹ vẫn là quan trọng nhất. Vì vậy, quan hệ với Mỹ có thể sẽ là chủ đề chính trong chương trình nghị sự tại hội nghị trung ương bốn.

Và vì thế, Tập sẽ phải đối mặt với khoảnh khắc của sự thật. Trước và sau hội nghị trung ương bốn, liệu ông còn có thể tiếp tục duy trì quyền lực? Liệu ông còn có thể thực hiện những thay đổi nhân sự tùy ý mình hay không?

Katsuji Nakazawa là nhà báo và biên tập viên cấp cao của Nikkei, hiện sinh sống tại Tokyo. Ông đã dành bảy năm làm phóng viên thường trú ở Trung Quốc và sau đó trở thành trưởng văn phòng Trung Quốc. Ông đã nhận Giải Nhà báo Quốc tế Vaughn-Ueda năm 2014.

Nguồn: Katsuji Nakazawa, “U.S. election could dictate Xi Jinping’s political schedule,” Nikkei Asia, 22/08/2024

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Bản tiếng Việt của Nghiên cứu Quốc tế.


Đăng ngày

trong

, ,

Thẻ: