Giải phẫu học về nhà nước (Chương 4)

Chương 4: Làm thế nào mà nhà nước vượt qua giới hạn của nó

Tác giả: Murray N. Rothbard.

Như Bertrand de Jouvenel đã tinh tế chỉ ra, qua nhiều thế kỷ, con người đã hình thành các khái niệm được thiết kế nhằm kiểm soát và giới hạn quyền lực của nhà nước; và, lần lượt từng khái niệm ấy, nhà nước, với sự hỗ trợ của các đồng minh trí thức, đã có thể biến đổi chúng thành những con dấu cao su về mặt trí tuệ, gắn mác hợp pháp và chính nghĩa cho các sắc lệnh và hành động của mình. 

Ban đầu, ở Tây Âu, khái niệm về chủ quyền thần thánh quy định rằng các vị vua chỉ được cai trị theo luật thần linh; nhưng các vị vua đã biến khái niệm này thành con dấu thần thánh phê chuẩn cho bất kỳ hành động nào của họ. Khái niệm về nền dân chủ nghị viện bắt đầu như một công cụ của người dân nhằm kiểm soát quyền lực tuyệt đối của chế độ quân chủ, nhưng cuối cùng quốc hội lại trở thành bộ phận thiết yếu của nhà nước, và mọi hành động của nó được xem như tối cao. Như de Jouvenel kết luận:

Nhiều nhà lý thuyết về chủ quyền đã phát triển một trong những phương tiện hạn chế này… Tuy nhiên, cuối cùng, mỗi lý thuyết như vậy, sớm hay muộn, đều mất đi mục đích ban đầu và trở thành một bàn đạp cho quyền lực, bằng cách cung cấp cho quyền lực sự hỗ trợ mạnh mẽ từ một chủ quyền vô hình mà qua đó quyền lực có thể dần dần tự nhận diện mình.(20)

Tương tự đối với các học thuyết cụ thể hơn: “quyền tự nhiên” của cá nhân được ghi nhận trong lý thuyết của John Locke và Tuyên ngôn Nhân quyền, đã trở thành một “quyền có công ăn việc làm” theo nhà nước; chủ nghĩa vị lợi đã chuyển từ lập luận ủng hộ tự do sang lập luận chống lại việc phản kháng các sự xâm phạm tự do của Nhà nước, v.v.

Chắc chắn nỗ lực tham vọng nhất trong việc đặt ra giới hạn đối với Nhà nước là Tuyên ngôn Nhân quyền và các phần khác của Hiến pháp Mỹ, trong đó các giới hạn đối với chính phủ được ghi chép thành văn bản, trở thành luật cơ bản mà theo lý thuyết sẽ được giải thích bởi một hệ thống tư pháp độc lập với các nhánh khác của chính phủ. Tất cả người Mỹ đều quen thuộc với quá trình mà qua đó việc xây dựng các giới hạn trong Hiến pháp đã không ngừng được mở rộng trong suốt thế kỷ qua. Tuy nhiên, ít ai sắc sảo như Giáo sư Charles Black khi nhận thấy rằng trong quá trình này, nhà nước đã phần lớn biến việc kiểm tra tính hợp hiến của các quyết định chính phủ từ một công cụ nhằm hạn chế quyền lực thành một phương tiện khác nhằm cung cấp tính hợp pháp về mặt ý thức hệ cho các hành động của chính phủ. Bởi vì nếu một phán quyết tư pháp tuyên bố rằng một hành động là “vi hiến” là một sự kiểm soát mạnh mẽ đối với quyền lực của chính phủ, thì một phán quyết công khai hoặc ngầm định rằng hành động đó là “hợp hiến” lại là một vũ khí mạnh mẽ để thúc đẩy sự chấp nhận của công chúng đối với quyền lực ngày càng lớn của chính phủ.

Giáo sư Black bắt đầu phân tích của mình bằng cách chỉ ra sự cần thiết thiết yếu của “tính hợp pháp” đối với bất kỳ chính phủ nào muốn tồn tại, với tính hợp pháp này được hiểu là sự chấp nhận cơ bản của đa số đối với chính phủ và các hành động của nó.(21) Sự chấp nhận tính hợp pháp trở thành một vấn đề đặc biệt ở những quốc gia như Hoa Kỳ, nơi mà “các giới hạn thực chất đã được xây dựng ngay trong lý thuyết nền tảng mà chính phủ dựa vào.” Điều mà Black cho rằng cần thiết là một cơ chế giúp chính phủ có thể đảm bảo với công chúng rằng quyền lực ngày càng gia tăng của nó thực sự là “hợp hiến.” Và ông kết luận rằng, chức năng lịch sử chủ yếu của việc kiểm tra tính hợp hiến chính là để thực hiện điều này.

Black minh họa vấn đề như sau:

Rủi ro lớn nhất đối với chính phủ là sự bất mãn và cảm giác phẫn nộ lan rộng trong toàn dân, cùng với sự mất đi quyền lực đạo đức của chính phủ, dù cho chính phủ có thể được duy trì lâu dài nhờ vào sức mạnh, sự ì ạch, hay sự thiếu vắng một sự thay thế hấp dẫn và có sẵn ngay lập tức. 

Hầu như mọi người sống dưới một chính phủ có quyền lực giới hạn đều sẽ sớm hay muộn phải chịu đựng một số hành động của chính phủ mà theo quan điểm cá nhân của họ là vượt quá thẩm quyền của chính phủ hoặc đó là những điều chính phủ bị cấm làm. 

Một người bị bắt nhập ngũ, mặc dù anh ta không tìm thấy điều khoản nào trong Hiến pháp về việc nhập ngũ… Một nông dân được thông báo về lượng lúa mì mà anh ta có thể trồng; anh ta tin tưởng, và phát hiện ra rằng một số luật sư uy tín cũng đồng tình với anh ta, rằng chính phủ không có quyền bảo anh ta phải trồng bao nhiêu lúa mì, cũng như không có quyền bảo con gái anh ta rằng cô có thể kết hôn với ai. Một người đàn ông bị đưa vào nhà tù liên bang vì nói những điều anh ta muốn, và khi bước đi trong xà lim của mình, anh ta lẩm nhẩm rằng “Quốc hội sẽ không ban hành luật nào hạn chế quyền tự do ngôn luận.”… Một doanh nhân bị yêu cầu đưa ra mức giá mà anh ta có thể, và phải, tính cho bơ sữa.

Mối nguy hiểm là đủ thực tế để mỗi người trong số những người này (và ai mà không thuộc nhóm của họ?)  phải đối diện với khái niệm về giới hạn quyền lực của chính phủ; họ sẽ phải so sánh nó với thực tế (theo cách mà họ nhìn nhận) về sự vượt quá giới hạn một cách trắng trợn, để rồi họ sẽ phải rút ra kết luận hiển nhiên về tính hợp pháp của chính phủ họ.(22)

Mối nguy hiểm này được tránh khỏi nhờ vào việc nhà nước đưa ra học thuyết rằng một cơ quan phải có quyền quyết định cuối cùng về tính hợp hiến, và cơ quan này, trong phân tích cuối cùng, phải là một phần của chính phủ liên bang.(23) Vì trong khi sự độc lập bề ngoài của ngành tư pháp liên bang đóng vai trò quan trọng trong việc khiến các hành động của nó gần như là “thánh chỉ” đối với phần lớn dân chúng, thì cũng đúng rằng ngành tư pháp là một phần không thể thiếu của bộ máy chính phủ và nó được bổ nhiệm bởi các nhánh hành pháp và lập pháp. Black thừa nhận rằng điều này có nghĩa là nhà nước đã tự đặt mình vào vị trí thẩm phán trong chính vụ việc của mình, do đó vi phạm nguyên tắc pháp lý cơ bản là hướng tới các quyết định công bằng. Ông bác bỏ mạnh mẽ khả năng có bất kỳ sự thay thế nào.(24)

Black bổ sung:

Vấn đề, do đó, là tìm ra các phương thức từ chính phủ để đưa ra quyết định với hi vọng sao cho có thể giảm đến mức tối thiểu sự phản đối rằng chính phủ là thẩm phán trong chính vụ án của mình. Sau khi làm được điều này, bạn chỉ có thể hy vọng rằng sự phản đối này, mặc dù về lý thuyết thì có thể vẫn còn, nhưng thực tế sẽ mất đi đủ sức mạnh để cho công việc hợp pháp hóa của cơ quan quyết định có thể được chấp nhận.(25)

Cuối cùng, Black nhận thấy rằng việc đạt được công lý và tính hợp pháp từ việc nhà nước liên tục tự xét xử chính mình là “một điều gì đó kỳ diệu.”(26)

Áp dụng luận điểm của mình vào cuộc xung đột nổi tiếng giữa Tòa án Tối cao và Chính sách Kinh tế Mới (New Deal), Giáo sư Black chỉ trích gay gắt các đồng nghiệp ủng hộ Chính sách Kinh tế Mới vì sự thiển cận của họ khi lên án sự cản trở tư pháp:

Phiên bản chuẩn của câu chuyện về Chính sách Kinh tế Mới và Tòa án, mặc dù đúng theo cách của nó, đã đặt sai trọng tâm… Nó tập trung vào những khó khăn; nó gần như quên mất cách mọi thứ đã diễn ra như thế nào. Điều cốt lõi của vấn đề (và đây là điều tôi muốn nhấn mạnh) là sau khoảng hai mươi bốn tháng phản kháng… Tòa án Tối cao, trong khi không có bất kỳ sự thay đổi nào trong luật về thành phần của nó, hay trong thành phần nhân sự thực tế của nó, đã đặt con dấu khẳng định tính hợp pháp lên Chính sách Kinh tế Mới, và lên toàn bộ khái niệm mới về chính phủ ở Hoa Kỳ.(27)

Bằng cách này, Tòa án Tối cao đã có thể dập tắt sự phản đối từ một bộ phận lớn người Mỹ vốn có những phản đối mạnh mẽ về mặt hiến pháp đối với Chính sách Kinh tế Mới:

Tất nhiên, không phải ai cũng hài lòng. “Hoàng tử Bonnie Charlie” của chủ nghĩa tự do kinh tế theo mệnh lệnh hiến pháp vẫn còn khuấy động trái tim của một vài tín đồ cuồng nhiệt ở những vùng cao nguyên đầy cáu giận và thiếu thực tế. Nhưng giờ đây không còn bất kỳ sự nghi ngờ đáng kể hay nguy hiểm nào trong công chúng về quyền lực hiến pháp của Quốc hội đối với việc điều chỉnh nền kinh tế quốc gia như nó đang làm nữa…

Chúng ta không có phương tiện nào khác ngoài Tòa án Tối cao để trao tính hợp pháp cho Chính sách Kinh tế Mới.(28)

Như Black nhận thấy, một nhà học giả chính trị lớn đã nhận ra — và phần lớn là từ trước — lỗ hổng rõ ràng trong giới hạn về mặt hiến pháp đối với chính phủ khi trao quyền diễn giải tối thượng cho Tòa án Tối cao, đó chính là John C. Calhoun. Calhoun không hài lòng với cái gọi là “phép màu” này, mà thay vào đó đã tiến hành một phân tích sâu sắc về vấn đề hiến pháp. Trong tác phẩm Disquisition, Calhoun đã chứng minh xu hướng cố hữu của nhà nước trong việc phá vỡ các giới hạn của một hiến pháp như vậy:

Một hiến pháp bằng văn bản chắc chắn có nhiều lợi thế đáng kể, nhưng sẽ là một sai lầm lớn nếu cho rằng chỉ cần đưa vào các điều khoản để hạn chế và giới hạn quyền lực của chính phủ, mà không trao cho những-người-được-bảo-vệ-bởi-các-điều-khoản-đó các phương tiện để đảm bảo chúng được tuân thủ, thì sẽ đủ để ngăn chặn đảng-cầm-quyền-lớn-và-đang-thống-trị lạm dụng quyền lực của mình. 

Vì là đảng nắm quyền và từ mục đích của hiến pháp muốn một chính phủ có nhiệm vụ bảo vệ xã hội, họ sẽ ủng hộ các quyền lực mà hiến pháp trao cho họ và sẽ phản đối các hạn chế nhằm giới hạn các quyền lực đó. . . .Ngược lại, đảng yếu hơn hoặc nhỏ hơn sẽ đi theo hướng đối lập và coi các hạn chế đó là cần thiết để bảo vệ mình khỏi đảng thống trị. . . . Tuy nhiên, nếu không có bất kỳ phương tiện nào để ép buộc đảng lớn phải tuân thủ các hạn chế đó, phương án duy nhất mà họ có thể dựa vào sẽ là giải thích một cách nghiêm ngặt bản hiến pháp. . . . 

Đảng lớn sẽ phản đối bằng cách ủng hộ một sự giải thích rộng rãi hơn. . . . Đây sẽ là cuộc đấu giữa hai cách giải thích: một bên muốn thu hẹp quyền lực và bên kia muốn mở rộng quyền lực của chính phủ đến mức tối đa. Nhưng liệu cách giải thích chặt chẽ của đảng nhỏ có thể có tác dụng gì, khi đảng lớn có toàn bộ quyền lực của chính phủ để thực thi cách giải thích của mình, trong khi đảng nhỏ lại không có bất kỳ phương tiện nào để thực thi cách giải thích của mình? Trong một cuộc tranh đấu không công bằng như vậy, kết quả sẽ không có gì phải nghi ngờ. Đảng ủng hộ các hạn chế sẽ bị áp đảo. . . . Cuối cùng, kết quả của cuộc tranh đấu sẽ là sự sụp đổ của hiến pháp . . . các hạn chế sẽ bị hủy bỏ và chính phủ sẽ biến thành một chính phủ có quyền lực vô hạn.(29)

Một trong những nhà khoa học chính trị hiếm hoi đánh giá cao phân tích của Calhoun về Hiến pháp là Giáo sư J. Allen Smith. Smith nhận xét rằng Hiến pháp được thiết kế với hệ thống kiểm tra và cân bằng để hạn chế quyền lực của bất kỳ cơ quan chính phủ nào, nhưng lại phát triển ra Tòa án Tối cao với độc quyền về quyền giải thích cuối cùng. Nếu Chính phủ Liên bang được tạo ra để ngăn chặn sự xâm phạm quyền tự do cá nhân bởi các bang riêng lẻ, vậy ai sẽ kiểm tra quyền lực của Chính phủ Liên bang? Smith cho rằng, ngầm hiểu trong ý tưởng kiểm tra và cân bằng của Hiến pháp là quan điểm đi kèm rằng không một nhánh nào của chính phủ có thể được trao quyền giải thích cuối cùng: “Người dân đã giả định rằng chính phủ không thể được phép xác định giới hạn quyền lực của chính nó, vì điều này sẽ khiến chính phủ trở thành tối cao, chứ không phải là Hiến pháp.”(30)

Giải pháp mà Calhoun đưa ra (và sau này được các tác giả như Smith ủng hộ trong thế kỷ này) chính là học thuyết nổi tiếng về “đa số đồng thời”. Nếu một nhóm thiểu số quan trọng trong nước, cụ thể là một chính phủ bang, cho rằng Chính phủ Liên bang đã vượt quá quyền hạn của mình và xâm phạm quyền lợi của nhóm thiểu số đó, thì nhóm thiểu số này có quyền phủ quyết việc thực thi quyền lực đó, coi đó là vi hiến. Khi áp dụng vào các chính phủ bang, lý thuyết này ngụ ý quyền “hủy bỏ” một đạo luật hoặc phán quyết của Liên bang trong phạm vi quyền tài phán của bang đó.

Về lý thuyết, hệ thống hiến pháp mà Calhoun đề xuất sẽ đảm bảo rằng Chính phủ Liên bang có thể kiểm soát sự xâm phạm quyền cá nhân của các bang, trong khi các bang sẽ kiểm tra quyền lực quá mức của Chính phủ Liên bang đối với cá nhân. Tuy nhiên, mặc dù những hạn chế này chắc chắn sẽ hiệu quả hơn hiện nay, giải pháp của Calhoun vẫn chứa đựng nhiều khó khăn và vấn đề. Nếu quả thật một lợi ích phụ thuộc có quyền phủ quyết đối với những vấn đề liên quan đến nó, thì tại sao chỉ dừng lại ở các bang? Tại sao không trao quyền phủ quyết cho các quận, thành phố, khu vực? Hơn nữa, các lợi ích không chỉ mang tính khu vực mà còn có tính nghề nghiệp, xã hội, v.v. Vậy thì các thợ làm bánh, tài xế taxi hay bất kỳ nhóm nghề nghiệp nào khác thì sao? Liệu họ có nên được phép có quyền phủ quyết đối với cuộc sống của chính mình không? Điều này dẫn đến một điểm quan trọng: lý thuyết hủy bỏ của Calhoun chỉ giới hạn việc kiểm tra quyền lực trong các cơ quan chính phủ. Đừng quên rằng chính phủ liên bang và chính phủ các bang, cùng với các nhánh của chúng, vẫn là các thực thể nhà nước, và vẫn bị chi phối bởi lợi ích của chính các bang đó, thay vì lợi ích của công dân cá nhân. Vậy điều gì ngăn cản hệ thống của Calhoun hoạt động theo chiều ngược lại, với các bang áp bức công dân của mình và chỉ phủ quyết Chính phủ Liên bang khi nó cố gắng can thiệp để chấm dứt sự áp bức đó? Hoặc các bang sẽ đồng thuận với sự áp bức của Chính phủ Liên bang? Điều gì ngăn cản các chính phủ liên bang và bang hình thành các liên minh có lợi cho cả hai bên để khai thác công dân? Và ngay cả khi các nhóm nghề nghiệp tư nhân được trao một hình thức đại diện “chức năng” trong chính phủ, điều gì ngăn cản họ sử dụng nhà nước để giành các trợ cấp và đặc quyền cho chính mình, hoặc áp đặt các liên minh độc quyền bắt buộc lên các thành viên của mình?

Tóm lại, Calhoun không phát triển đầy đủ lý thuyết đột phá của mình về sự đồng thuận: ông không mở rộng nó đến mức áp dụng cho chính cá nhân. Nếu cuối cùng chính cá nhân là người có quyền được bảo vệ, thì một lý thuyết đồng thuận nhất quán sẽ đòi hỏi quyền phủ quyết của từng cá nhân; tức là một hình thức “nguyên tắc nhất trí”. Khi Calhoun viết rằng “không thể đưa vào hoặc duy trì hoạt động [chính phủ] mà không có sự đồng thuận đồng thời của tất cả,” có lẽ ông đã vô tình ngụ ý kết luận như vậy.(31) Tuy nhiên, suy luận này bắt đầu đưa chúng ta ra ngoài phạm vi của chủ đề, vì con đường này sẽ dẫn đến những hệ thống chính trị mà khó có thể gọi là “nhà nước”.(32) Một lý do là, cũng giống như quyền hủy bỏ của một bang về mặt lý thuyết ngụ ý quyền tách ra khỏi Liên bang, thì quyền hủy bỏ của cá nhân cũng sẽ ngụ ý quyền của bất kỳ cá nhân nào được “rút lui” khỏi Nhà nước mà họ đang sống dưới đó.(33)

Vì vậy, nhà nước luôn tỏ ra có một khả năng đặc biệt trong việc mở rộng quyền lực của mình vượt ra ngoài mọi giới hạn có thể được áp đặt. Vì nhà nước phải sống bằng việc cưỡng chế tịch thu vốn tư nhân, và vì sự mở rộng của nó luôn đi kèm với những xâm phạm ngày càng sâu vào quyền lợi của cá nhân và doanh nghiệp tư nhân, chúng ta phải khẳng định rằng nhà nước về bản chất là phản động với chủ nghĩa tư bản. Theo một nghĩa nào đó, quan điểm của chúng ta ngược lại với tuyên bố của chủ nghĩa Marx rằng nhà nước là “ủy ban hành pháp” của giai cấp thống trị hiện nay, tức là giai cấp tư sản. Thay vào đó, nhà nước — tổ chức của các phương tiện chính trị — chính là cấu thành và nguồn gốc của “giai cấp thống trị” (thực tế là một đẳng cấp thống trị), và luôn ở trong trạng thái đối lập với vốn tư nhân chân chính. Do đó, chúng ta có thể nói như de Jouvenel đã nói:

Chỉ những ai không biết gì về các thời kỳ khác ngoài thời đại của chính mình, những người hoàn toàn mù mờ về cách thức quyền lực vận hành qua hàng nghìn năm, mới coi những hành động này [quốc hữu hóa, thuế thu nhập, v.v.] là kết quả của một hệ tư tưởng đặc biệt. Thực tế, chúng là những biểu hiện bình thường của quyền lực, và về bản chất, không khác gì việc Henry VIII tịch thu các tu viện. Cùng một nguyên lý đang hoạt động: khát khao quyền lực, cơn khát tài nguyên; và trong tất cả những hành động này, các đặc điểm giống nhau luôn hiện diện, bao gồm việc nhanh chóng nâng đỡ những kẻ chia phần chiến lợi phẩm. Dù là chủ nghĩa xã hội hay không, quyền lực luôn phải đối đầu với các thế lực tư bản và tước đoạt từ các nhà tư bản tài sản mà họ đã tích lũy được; khi làm vậy, quyền lực tuân theo quy luật tự nhiên của chính nó.(34)

Chú thích:

(20) De Jouvenel, On Power, tr. 27 trở đi.

(21)  Charles L. Black, Jr., The People and the Court (New York: Macmillan, 1960), tr. 35 trở đi.

(22)  Như trên, tr. 42-43.

(23) Như trên, tr. 52: Chức năng chính và cần thiết nhất của [Tòa án Tối cao] là xác nhận tính hợp pháp, chứ không phải là phủ quyết. Điều mà một chính phủ có quyền lực hạn chế cần, ngay từ đầu và suốt quá trình tồn tại, là một phương tiện để thuyết phục người dân rằng chính phủ đã thực hiện mọi bước đi có thể để duy trì trong phạm vi quyền lực của mình. Đây là điều kiện để chính phủ có tính hợp pháp, và tính hợp pháp của chính phủ, về lâu dài, là điều kiện để nó tồn tại. Và qua lịch sử của mình, Tòa án đã đóng vai trò như là sự hợp pháp hóa chính phủ.

(24) Đối với Black, “giải pháp” này, mặc dù có vẻ nghịch lý, nhưng lại là điều hiển nhiên một cách nhẹ nhàng: quyền lực cuối cùng của Nhà nước… phải dừng lại ở nơi mà luật pháp ngừng lại. Và ai sẽ đặt ra giới hạn, và ai sẽ thực thi việc dừng lại đó, trước quyền lực mạnh mẽ nhất? À, chính là Nhà nước, tất nhiên, thông qua các thẩm phán và luật pháp của nó. Ai kiểm soát những người có tính ôn hòa? Ai dạy dỗ những người khôn ngoan? (Như trên, tr. 32-33) Và: Khi câu hỏi liên quan đến quyền lực của chính phủ trong một quốc gia có chủ quyền, không thể chọn một trọng tài nằm ngoài chính phủ. Mỗi chính phủ quốc gia, miễn là nó còn là chính phủ, phải có quyền quyết định cuối cùng về quyền lực của chính mình. (Như trên., tr. 48-49)

(25)  Như trên, tr. 49.

(26) Việc gán cho chính phủ tính chất kỳ diệu này gợi nhớ đến cách biện minh cho chính phủ của James Burnham qua chủ nghĩa thần bí và phi lý: “Vào thời cổ đại, trước khi những ảo tưởng của khoa học làm suy yếu trí tuệ truyền thống, các nhà sáng lập các thành phố thường được cho là thần thánh hoặc á thần… Không thể giải thích nguồn gốc hay lý do của chính phủ bằng những lý lẽ hoàn toàn hợp lý… Tại sao tôi phải chấp nhận nguyên tắc hợp pháp kế thừa, dân chủ, hay bất kỳ nguyên tắc hợp pháp nào khác? Tại sao một nguyên tắc lại có thể biện minh cho việc một người cai trị tôi?… Tôi chấp nhận nguyên tắc đó, ừ, vì tôi chấp nhận, vì đó là cách nó tồn tại và đã luôn như vậy.” (James Burnham, Congress and the American Tradition (Chicago: Regnery, 1959), tr. 3-8). Nhưng nếu một người không chấp nhận nguyên tắc đó thì sao? Khi đó, “cách thức” sẽ ra sao?

(27)  Black, The People and the Court, tr. 64.

(28)  Như trên, tr. 65.

(29) John C. Calhoun, A Disquisition on Government (New York: Liberal Arts Press, 1953), tr. 25-27. Xem thêm Murray N. Rothbard, “Conservatism and Freedom: A Libertarian Comment,” Modern Age (Mùa xuân, 1961): 219.

(30) J. Allen Smith, The Growth and Decadence of Constitutional Government (New York: Henry Holt, 1930), tr. 88. Smith bổ sung: rõ ràng rằng khi một điều khoản của Hiến pháp được thiết kế để hạn chế quyền lực của một cơ quan chính phủ, thì nó có thể bị vô hiệu hóa nếu việc diễn giải và thực thi điều khoản đó được giao cho chính các cơ quan mà nó có mục đích kềm chế. Rõ ràng, lẽ thường yêu cầu rằng không một cơ quan nào của chính phủ được phép tự mình xác định quyền lực của chính nó. Rõ ràng, lẽ thường và ‘điều kỳ diệu’ chỉ ra các quan điểm rất khác nhau về chính phủ” (tr. 87).

(31)  Calhoun, A Disquisition on Government, tr. 20-21.

(32) Trong những năm gần đây, nguyên tắc nhất trí đã được hồi sinh một cách khá nhạt nhòa, đặc biệt là trong các tác phẩm của Giáo sư James Buchanan. Tuy nhiên, việc áp dụng nguyên tắc nhất trí vào tình hình hiện tại, và chỉ áp dụng nó cho những thay đổi trong trạng thái hiện tại mà không áp dụng cho các luật hiện hành, chỉ có thể dẫn đến một sự chuyển hóa khác của khái-niệm-hạn-chế thành một công-cụ-hợp-pháp cho Nhà nước. Nếu nguyên tắc nhất trí chỉ được áp dụng đối với những thay đổi trong các luật lệ và sắc lệnh, thì bản chất của “điểm khởi đầu” ban đầu sẽ tạo nên sự khác biệt quyết định. Xem thêm James Buchanan và Gordon Tullock, The Calculus of Consent (Ann Arbor: University of Michigan Press, 1962), nhiều phần khác.

(33) Xem Herbert Spencer, “The Right to Ignore the State,” trong Social Statics (New York: D. Appleton, 1890), tr. 229-39.

(34)  De Jouvenel, On Power, tr. 171.

Nguồn: Murray N. Rothbard, “Anatomy of State,” Mises Institute, 2009.

Biên dịch: Phong trào Duy Tân.


Thẻ: