Giải phẫu học về nhà nước (Chương 3)

Chương 3: Làm thế nào Nhà nước duy trì sự tồn tại của mình

Tác giả: Murray N. Rothbard.

Khi một nhà nước được thành lập, vấn đề của nhóm hay “tầng lớp” cai trị là làm thế nào để duy trì sự cai trị của họ.(7) Trong khi cưỡng ép là phương thức hoạt động của họ, thì vấn đề cơ bản và lâu dài lại là về mặt ý thức hệ. Để tiếp tục nắm quyền, bất kỳ chính phủ nào (không chỉ riêng chính phủ “dân chủ”) đều phải có được sự ủng hộ của đa số thần dân. Cần lưu ý rằng sự ủng hộ này không nhất thiết phải là sự nhiệt tình tích cực; nó có thể chỉ là sự cam chịu thụ động, giống như đối với một quy luật tất yếu của tự nhiên. Nhưng phải có sự ủng hộ ở mức độ nào đó; nếu không, thiểu số những người cai trị Nhà nước cuối cùng sẽ bị áp đảo bởi sự phản kháng tích cực của đa số dân chúng. Vì việc chiếm đoạt phải được hỗ trợ từ phần thặng dư sản xuất, nên chắc chắn là giai cấp cấu thành nhà nước — bộ máy quan liêu toàn thời gian (và quý tộc?) — phải là một thiểu số khá nhỏ trong đất nước, mặc dù tất nhiên, họ có thể mua chuộc đồng minh từ những nhóm quan trọng trong dân chúng. Vì vậy, nhiệm vụ chính của các nhà cầm quyền luôn là đảm bảo sự chấp nhận tích cực hoặc cam chịu từ đa số công dân.(8), (9) 

Dĩ nhiên, một phương pháp để đảm bảo sự ủng hộ là tạo ra các lợi ích kinh tế gắn bó. Vì vậy, nhà vua không thể cai trị một mình; ông ta cần có một nhóm đáng kể những người trung thành hưởng lợi từ quyền lực, chẳng hạn như các thành viên của bộ máy nhà nước, gồm tầng lớp quan liêu toàn thời gian hoặc tầng lớp quý tộc.(10) Nhưng điều này vẫn chỉ đảm bảo được sự ủng hộ nhiệt thành của một nhóm thiểu số, và ngay cả việc mua chuộc sự ủng hộ thông qua trợ cấp và các đặc quyền khác cũng không giành được sự đồng thuận từ đa số. Để đạt được sự chấp nhận thiết yếu này, đa số cần được thuyết phục qua tư tưởng rằng chính phủ của họ là tốt, khôn ngoan, và ít nhất là tất yếu, và chắc chắn tốt hơn những lựa chọn thay thế khác có thể hình dung được. Việc thúc đẩy tư tưởng này trong dân chúng là nhiệm vụ xã hội quan trọng của tầng lớp “trí thức.” Vì quần chúng không tự tạo ra các ý tưởng của riêng họ, hoặc thực sự suy nghĩ thấu đáo những ý tưởng đó một cách độc lập; họ thụ động đi theo những ý tưởng mà tầng lớp trí thức chấp nhận và truyền bá. Do đó, trí thức là “những người định hình ý kiến” trong xã hội. Và bởi vì chính việc định hình ý kiến là điều mà nhà nước cần nhất, nên cơ sở cho liên minh lâu đời giữa nhà nước và tầng lớp trí thức trở nên rõ ràng.

Rõ ràng là nhà nước cần trí thức; nhưng điều không rõ ràng là tại sao trí thức cần nhà nước. Đơn giản mà nói, chúng ta có thể khẳng định rằng sinh kế của trí thức trên thị trường tự do không bao giờ quá an toàn; bởi vì trí thức phải phụ thuộc vào các giá trị và sự lựa chọn của đám đông đồng bào, và đặc trưng chính xác của quần chúng là họ thường không quan tâm đến các vấn đề trí tuệ. Ngược lại, nhà nước sẵn sàng cung cấp cho trí thức một bến đỗ an toàn và lâu dài trong bộ máy nhà nước; và do đó, đảm bảo một nguồn thu nhập ổn định và sự uy tín. Trí thức sẽ được thưởng công hậu hĩnh vì chức năng quan trọng mà họ thực hiện cho những người cai trị nhà nước, mà giờ đây họ đã trở thành một phần trong đó.(11)

Liên minh giữa nhà nước và tầng lớp trí thức được biểu tượng hóa rõ rệt qua khát vọng tha thiết của các giáo sư tại Đại học Berlin vào thế kỷ XIX nhằm thành lập “đội cận vệ trí thức của Nhà Hohenzollern.” Ngày nay, chúng ta có thể lưu ý đến nhận xét sắc bén của một học giả Marxist nổi tiếng liên quan đến nghiên cứu phê phán của Giáo sư Wittfogel đối với chủ nghĩa chuyên chế phương Đông cổ đại: “Nền văn minh mà Giáo sư Wittfogel đang chỉ trích gay gắt chính là một nền văn minh có thể biến các nhà thơ và học giả thành những quan chức.”(12) Trong vô vàn ví dụ, ta có thể nhắc đến sự phát triển gần đây của “khoa học” chiến lược, phục vụ cho cánh tay vũ lực chính của chính phủ, đó là quân đội.(13) Hơn nữa, một thể chế lâu đời là sử gia chính thức hay “triều đình”, chuyên truyền bá quan điểm của các nhà cầm quyền về hành động của chính họ và những người tiền nhiệm.(14)

Những lý lẽ mà nhà nước và tầng lớp trí thức của nó sử dụng để thuyết phục thần dân ủng hộ sự cai trị của họ vô cùng phong phú và đa dạng. Về cơ bản, các lý lẽ này có thể được tóm tắt như sau: (a) những người cai trị nhà nước là những con người vĩ đại và thông thái (họ “cai trị nhờ quyền thiêng liêng,” họ là “tầng lớp ưu tú” của nhân loại, họ là “các chuyên gia khoa học”), vĩ đại và thông thái hơn hẳn so với những thần dân tốt bụng nhưng đơn giản; và (b) việc cai trị theo phạm vi của chính phủ là điều tất yếu, tuyệt đối cần thiết, và tốt hơn nhiều so với những điều ác khôn lường sẽ xảy ra nếu nó sụp đổ. Liên minh giữa nhà thờ và nhà nước là một trong những phương thức tư tưởng lâu đời và thành công nhất. Người cai trị hoặc được xức dầu bởi Chúa, hoặc trong trường hợp của chế độ chuyên chế tuyệt đối ở nhiều nước phương Đông, chính là Chúa; do đó, bất kỳ sự kháng cự nào đối với sự cai trị của ông ta đều là báng bổ. Tầng lớp giáo sĩ của nhà nước thực hiện chức năng trí tuệ cơ bản là đảm bảo sự ủng hộ và thậm chí là sự tôn thờ của quần chúng đối với những người cai trị.(15)

Một phương thức thành công khác là gieo rắc nỗi sợ hãi về bất kỳ hệ thống cai trị hoặc phi cai trị thay thế nào. Người ta cho rằng những nhà cai trị hiện tại cung cấp một dịch vụ thiết yếu cho công dân mà họ nên vô cùng biết ơn đó là bảo vệ họ chống lại những tên tội phạm và kẻ cướp lẻ tẻ. Để duy trì độc quyền về chiếm đoạt, nhà nước thực sự đã đảm bảo rằng tội phạm tư nhân và phi hệ thống được giảm thiểu đến mức tối đa; nhà nước luôn ghen tị với những quyền lực riêng của mình. Đặc biệt, trong các thế kỷ gần đây, nhà nước đã thành công trong việc gieo rắc nỗi sợ hãi đối với các nhà nước khác. Vì lãnh thổ trên toàn cầu đã được phân chia giữa các nhà nước cụ thể, nên một trong những học thuyết cơ bản của nhà nước là đồng nhất bản thân nó với lãnh thổ mà nó cai trị. Vì hầu hết mọi người có xu hướng yêu quê hương của mình, việc đồng nhất vùng đất và con người của nó với nhà nước trở thành phương tiện khiến lòng yêu nước tự nhiên phục vụ lợi ích của nhà nước. Nếu “Ruritania” bị “Walldavia” tấn công, thì nhiệm vụ đầu tiên của nhà nước và tầng lớp trí thức của nó là thuyết phục dân chúng Ruritania rằng cuộc tấn công thực sự nhằm vào họ chứ không chỉ nhằm vào giai cấp cầm quyền. Bằng cách này, một cuộc chiến giữa những nhà cai trị biến thành một cuộc chiến giữa các dân tộc, với mỗi dân tộc bảo vệ giai cấp cầm quyền của mình trong niềm tin sai lầm rằng các nhà cai trị đang bảo vệ họ. Phương thức “chủ nghĩa dân tộc” này chỉ thành công trong nền văn minh phương Tây trong các thế kỷ gần đây; không lâu trước đây, đa số thần dân vẫn coi các cuộc chiến tranh là những trận chiến không liên quan giữa các nhóm quý tộc khác nhau.

Có rất nhiều vũ khí tư tưởng tinh vi mà Nhà nước đã sử dụng qua các thế kỷ. Một vũ khí tuyệt vời đó là truyền thống. Nhà nước càng duy trì được sự cai trị của mình lâu dài, vũ khí này càng mạnh mẽ; bởi khi đó, triều đại X hoặc nhà nước Y sẽ mang trong mình sức nặng của hàng thế kỷ truyền thống.(16) Sự tôn thờ tổ tiên, do đó, trở thành một phương tiện không quá tinh vi để thờ phụng những người cai trị cổ xưa của mình. 

Mối nguy lớn nhất đối với nhà nước là sự chỉ trích độc lập của trí thức; và không có cách nào tốt hơn để dập tắt sự chỉ trích đó bằng cách tấn công bất kỳ tiếng nói đơn lẻ nào, bất kỳ người nào nêu lên những nghi ngờ mới, như một kẻ báng bổ trí tuệ của tổ tiên. 

Một lực lượng tư tưởng mạnh mẽ khác là hạ thấp giá trị của cá nhân và tôn vinh giá trị của tập thể xã hội. Bởi vì bất kỳ một sự cai trị nào cũng cần sự chấp nhận của đa số, nên mọi nguy cơ tư tưởng đối với sự cai trị đó chỉ có thể bắt nguồn từ một hoặc vài cá nhân có tư duy độc lập. 

Ý tưởng mới, chưa nói đến ý tưởng phê phán mới, phải bắt đầu như một quan điểm của thiểu số nhỏ bé; do đó, nhà nước phải dập tắt quan điểm đó từ trong trứng nước bằng cách chế nhạo bất kỳ quan điểm nào thách thức ý kiến của đa số. 

“Chỉ lắng nghe lời anh em mình” hoặc “hòa nhập với xã hội” do đó trở thành những vũ khí tư tưởng để nghiền nát sự bất đồng quan điểm cá nhân.(17) Bằng những biện pháp như vậy, quần chúng sẽ không bao giờ nhận ra rằng hoàng đế của họ không mặc quần áo.(18) 

Cũng quan trọng không kém là nhà nước phải làm cho sự cai trị của mình có vẻ như là điều tất yếu; ngay cả khi sự cai trị của nó bị ghét bỏ, thì khi đó nó vẫn sẽ được chấp nhận một cách thụ động, như khi chứng kiến ​​sự kết hợp quen thuộc của “cái chết và thuế.” 

Một phương pháp là thúc đẩy chủ nghĩa tất định lịch sử, trái ngược với tự do ý chí cá nhân. Nếu triều đại X cai trị chúng ta, đó là vì những Quy Luật Tất yếu Của Lịch Sử (hoặc Ý Chí Thần Linh, hoặc Đấng Tối Cao, hoặc Các Lực Lượng Sản Xuất Vật Chất) đã quy định như vậy, và không có bất kỳ cá nhân yếu đuối nào có thể thay đổi được quy định tất yếu này. 

Một điểm quan trọng khác đối với nhà nước là gieo rắc vào thần dân sự ác cảm với bất kỳ “thuyết âm mưu nào về lịch sử”; vì tìm kiếm “âm mưu” đồng nghĩa với việc tìm kiếm động cơ và quy kết trách nhiệm cho những hành động sai trái trong lịch sử. 

Tuy nhiên, nếu bất kỳ sự chuyên chế nào do nhà nước áp đặt, hoặc sự tham nhũng, hoặc chiến tranh xâm lược, không phải do các nhà cai trị nhà nước gây ra mà do những “lực lượng xã hội” bí ẩn và kỳ lạ, hoặc do trạng thái không hoàn hảo của thế giới, hoặc nếu theo cách nào đó, tất cả mọi người đều phải chịu trách nhiệm (”Chúng Ta Đều Là Kẻ Giết Người,” một khẩu hiệu tuyên bố), thì không có lý do gì để quần chúng trở nên phẫn nộ hoặc nổi dậy chống lại những hành động sai trái đó. 

Hơn nữa, một cuộc tấn công vào “thuyết âm mưu” có nghĩa là thần dân sẽ trở nên cả tin hơn khi tin vào những lý do “vì lợi ích chung” mà nhà nước luôn đưa ra để biện minh cho bất kỳ hành động độc tài nào của mình. Một “thuyết âm mưu” có thể làm lung lay hệ thống bằng cách khiến công chúng nghi ngờ về tuyên truyền tư tưởng của nhà nước.

Một phương pháp lâu đời và hiệu quả khác để khiến thần dân khuất phục ý chí của nhà nước là gây ra cảm giác tội lỗi. Bất kỳ sự gia tăng nào về thịnh vượng cá nhân đều có thể bị chỉ trích là “lòng tham vô độ,” “chủ nghĩa vật chất,” hoặc “sự giàu có quá mức”, việc kiếm lợi nhuận có thể bị chỉ trích là “bóc lột” và “cho vay nặng lãi,” những cuộc trao đổi đôi bên cùng có lợi bị lên án là “ích kỷ,” và bằng cách nào đó, kết luận luôn được đưa ra rằng nhiều nguồn lực hơn nên được chuyển từ khu vực tư nhân sang “khu vực công”. Cảm giác tội lỗi được tạo ra khiến công chúng sẵn sàng làm điều đó hơn. Trong khi các cá nhân có xu hướng đắm chìm trong “lòng tham ích kỷ,” việc các nhà cai trị nhà nước không tham gia vào sự trao đổi được cho là dấu hiệu của sự cống hiến cho những mục tiêu cao cả và cao quý hơn — sự chiếm đoạt ký sinh dường như cao cả hơn về mặt đạo đức và thẩm mỹ so với công việc hòa bình và hiệu quả.

Trong thời đại thế tục hơn hiện nay, quyền thiêng liêng của nhà nước đã được bổ sung bằng việc viện dẫn một vị thần mới là Khoa học. Quyền cai trị của nhà nước hiện nay được tuyên bố là siêu khoa học, là kế hoạch hóa bởi các chuyên gia. Nhưng trong khi “lý trí” được viện dẫn nhiều hơn so với các thế kỷ trước, thì đây không phải là lý trí thực sự của cá nhân và sự thực thi ý chí tự do của anh ta; nó vẫn mang tính tập thể và tất định, vẫn ngụ ý các tổng thể toàn diện và sự thao túng cưỡng chế những thần dân thụ động bởi các nhà cai trị của họ.

Việc sử dụng ngày càng nhiều thuật ngữ khoa học đã cho phép các trí thức của nhà nước dệt nên những lời bào chữa mù quáng cho sự cai trị của nhà nước mà chỉ có thể bị chế nhạo bởi dân chúng trong một thời đại đơn giản hơn. Một tên cướp biện minh cho hành vi trộm cắp của mình bằng cách nói rằng thực ra hắn đã giúp đỡ nạn nhân của mình, vì việc chi tiêu của hắn thúc đẩy thương mại bán lẻ, sẽ khó mà tìm được người ủng hộ; nhưng khi lý thuyết này được che giấu trong các phương trình Keynes và những tham chiếu ấn tượng đến “hiệu ứng số nhân,” đáng buồn thay, nó lại mang tính thuyết phục hơn. Và do đó, cuộc tấn công vào lẽ thường vẫn tiếp diễn, mỗi thời đại thực hiện nhiệm vụ này theo cách riêng của mình.

Vì vậy, vì sự ủng hộ về mặt tư tưởng là điều rất quan trọng đối với nhà nước, nó phải không ngừng cố gắng gây ấn tượng với công chúng bằng “tính hợp pháp” của mình, để phân biệt các hoạt động của nó với những kẻ cướp đơn thuần. Quyết tâm không ngừng của nó trong việc tấn công vào lẽ thường không phải là ngẫu nhiên, vì như Mencken đã mô tả một cách sinh động:

Một người bình thường, bất kể những sai lầm của anh ta, ít nhất cũng nhận ra rõ ràng rằng chính phủ là thứ nằm ngoài anh ta và nằm ngoài số đông những đồng bào của anh ta — rằng nó là một thế lực riêng biệt, độc lập và thù địch, chỉ phần nào nằm dưới sự kiểm soát của anh ta, và có khả năng gây ra nhiều tổn hại cho anh ta. Lẽ nào điều này lại không có ý nghĩa gì khi hành vi cướp của chính phủ ở mọi nơi lại được coi là một tội ác có mức độ nghiêm trọng thấp hơn so với việc cướp của một cá nhân, hoặc thậm chí là một tập đoàn?… Tôi tin rằng, điều ẩn sau tất cả những điều này là một cảm giác sâu sắc về sự đối kháng cơ bản giữa chính phủ và người dân mà nó cai trị. Nó không được hiểu như là một ủy ban của công dân được chọn để thực hiện công việc chung của toàn dân, mà là một tập đoàn riêng biệt và tự chủ, chủ yếu dành cho việc bóc lột dân chúng vì lợi ích của các thành viên của chính nó… Khi một công dân bị cướp, một người đàn ông đáng kính sẽ bị tước đoạt thành quả lao động và sự tiết kiệm của mình; khi chính phủ bị cướp, điều tồi tệ nhất xảy ra là một số kẻ lừa đảo và ăn bám sẽ có ít tiền để tiêu xài hơn trước. Ý niệm rằng họ đã kiếm được số tiền đó không bao giờ được chấp nhận; đối với hầu hết những người sáng suốt, điều đó sẽ có vẻ nực cười.(19)

Chú thích:

(7) Về sự khác biệt quan trọng giữa “tầng lớp” (caste), một nhóm với các đặc quyền hoặc gánh nặng do nhà nước áp đặt, và khái niệm “giai cấp” (class) của Marx trong xã hội, tham khảo Ludwig von Mises, Theory and History (New Haven, Conn.: Yale University Press, 1957), tr. 112 trở đi.

(8) Sự chấp nhận như vậy, tất nhiên, không ngụ ý rằng sự cai trị của Nhà nước trở thành “tự nguyện”; vì ngay cả khi đa số ủng hộ một cách tích cực và hào hứng, sự ủng hộ này không phải là sự đồng thuận của mọi cá nhân.

(9) Rằng mọi chính phủ, bất kể nó “độc tài” như thế nào đối với cá nhân, đều phải đảm bảo sự ủng hộ này và điều này đã được chứng minh bởi các nhà lý thuyết chính trị sắc sảo như Étienne de la Boétie, David Hume và Ludwig von Mises. Xem thêm: David Hume, “Of the First Principles of Government,” trong Essays, Literary, Moral and Political (London: Ward, Locke, and Taylor, không đề năm), tr. 23; Étienne de la Boétie, Anti-Dictator (New York: Columbia University Press, 1942), tr. 8-9; Ludwig von Mises, Human Action (Auburn, Ala.: Mises Institute, 1998), tr. 188 trở đi. Về phân tích của la Boétie về Nhà nước, xem Oscar Jaszi và John D. Lewis, Against the Tyrant (Glencoe, Ill.: The Free Press, 1957), tr. 55-57.

(10)  La Boétie, Anti-Dictator, tr. 43-44: Bất cứ khi nào một nhà cầm quyền biến mình thành nhà độc tài… tất cả những người bị tha hóa bởi tham vọng cháy bỏng hoặc lòng tham vô độ sẽ tụ tập xung quanh ông ta và ủng hộ ông ta để có một phần chiến lợi phẩm và trở thành các thủ lĩnh nhỏ dưới một bạo chúa lớn.

(11) Điều này không có nghĩa rằng tất cả các trí thức đều liên minh với Nhà nước. Về các khía cạnh của sự liên minh giữa trí thức và Nhà nước, xem Bertrand de Jouvenel, “The Attitude of the Intellectuals to the Market Society,” The Owl (Tháng Một, 1951): 19-27; cùng tác giả, “The Treatment of Capitalism by Continental Intellectuals,” trong F.A. Hayek, biên tập, Capitalism and the Historians (Chicago: University of Chicago Press, 1954), tr. 93-123; tái bản trong George B. de Huszar, The Intellectuals (Glencoe, Ill.: The Free Press, 1960), tr. 385-99; và Schumpeter, Imperialism and Social Classes (New York: Meridian Books, 1975), tr. 143-55.

(12) Joseph Needham, “Review of Karl A. Wittfogel, Oriental Despotism,” Science and Society (1958): 65: Needham cũng viết rằng “các hoàng đế [Trung Quốc] liên tục qua mọi thời đại đều được phục vụ bởi một đội ngũ học giả vô cùng nhân văn và không vụ lợi,” tr. 61. Wittfogel lưu ý về học thuyết của Khổng Tử rằng vinh quang của giai cấp thống trị được dựa vào các quan chức học giả-quan liêu quý tộc, những người được định sẵn để trở thành những nhà cai trị chuyên nghiệp đóng vai trò chỉ đạo đại chúng. Karl A. Wittfogel, Oriental Despotism (New Haven, Conn.: Yale University Press, 1957), tr. 320-21 và nhiều phần khác. Để so sánh với quan điểm của Needham, xem John Lukacs, “Intellectual Class or Intellectual Profession?” trong de Huszar, The Intellectuals, tr. 521-22.

(13) Jeanne Ribs, “The War Plotters,” Liberation (Tháng Tám, 1961): 13: “[Các] chiến lược gia khẳng định rằng nghề của họ xứng đáng với ‘phẩm giá học thuật tương đương với nghề quân sự.’” Xem thêm Marcus Raskin, “The Megadeath Intellectuals,” New York Review of Books (14 tháng 11, 1963): 6-7.

(14) Vì vậy, nhà sử học Conyers Read, trong bài phát biểu nhậm chức của mình, đã ủng hộ việc che giấu sự thật lịch sử để phục vụ các giá trị “dân chủ” và quốc gia. Read tuyên bố rằng “chiến tranh toàn diện, dù là nóng hay lạnh, đều huy động mọi người và kêu gọi mọi người đóng góp vai trò của mình. Nhà sử học không thoát khỏi nghĩa vụ này hơn nhà vật lý.” Read, “The Social Responsibilities of the Historian,” American Historical Review (1951): 283 trở đi. Để phê phán Read và các khía cạnh khác của lịch sử phục vụ quyền lực, xem Howard K. Beale, “The Professional Historian: His Theory and Practice,” The Pacific Historical Review (Tháng Tám, 1953): 227-55. Xem thêm Herbert Butterfield, “Official History: Its Pitfalls and Criteria,” History and Human Relations (New York: Macmillan, 1952), tr. 182-224; và Harry Elmer Barnes, The Court Historians Versus Revisionism (không đề năm), tr. 2 trở đi.

(15)  Xem Wittfogel, Oriental Despotism, tr. 87-100. Về vai trò tương phản của tôn giáo đối với Nhà nước ở Trung Quốc và Nhật Bản cổ đại, xem Norman Jacobs, The Origin of Modern Capitalism and Eastern Asia (Hong Kong: Hong Kong University Press, 1958), tr. 161-94.

(16) De Jouvenel, On Power, tr. 22: “Lý do cốt lõi cho sự tuân thủ là nó đã trở thành một thói quen của loài người… Quyền lực đối với chúng ta là một sự thật tự nhiên. Từ những ngày đầu tiên của lịch sử được ghi chép, nó luôn chi phối vận mệnh của con người… những chính quyền cai trị [xã hội] trong quá khứ không biến mất mà không để lại cho người kế nhiệm các đặc quyền của họ hay để lại trong tâm trí người dân những dấu ấn mang tính tích lũy trong tác động của chúng. Sự kế thừa của các chính phủ khi cai trị cùng một xã hội qua nhiều thế kỷ có thể được coi là một chính phủ nền tảng, liên tục tích lũy thêm quyền lực.”

(17)  Về việc sử dụng tôn giáo ở Trung Quốc, xem Norman Jacobs, nhiều phần khác.

(18) H.L. Mencken, A Mencken Chrestomathy (New York: Knopf, 1949), tr. 145: “Tất cả những gì [chính phủ] có thể thấy trong một ý tưởng nguyên bản là sự thay đổi tiềm tàng, và do đó là sự xâm phạm các đặc quyền của nó. Người nguy hiểm nhất, đối với bất kỳ chính phủ nào, là người có thể tự mình suy nghĩ, không bị ràng buộc bởi những điều mê tín và cấm kỵ hiện hành. Gần như chắc chắn anh ta sẽ đi đến kết luận rằng chính phủ mà anh ta đang sống dưới quyền là không trung thực, điên rồ và không thể chịu đựng được, và vì vậy, nếu anh ta có tính lãng mạn, anh ta sẽ cố gắng thay đổi nó. Và ngay cả khi anh ta không lãng mạn, anh ta rất có khả năng lan truyền sự bất mãn trong số những người lãng mạn.”

Nguồn: Murray N. Rothbard, “Anatomy of State,” Mises Institute, 2009.

Biên dịch: Phong trào Duy Tân.


Thẻ: