Phần 4. Tiền và nhà nước
Chính phủ, không giống như tất cả các tổ chức khác, không nhận được doanh thu dưới dạng các khoản thanh toán tự nguyện cho các dịch vụ của mình.
Vì vậy, chính phủ phải đối mặt với một vấn đề kinh tế khác biệt so với phần còn lại của xã hội.
Cá nhân trong khu vực tư nhân muốn mua thêm hàng hóa và dịch vụ từ người khác thì họ phải sản xuất và bán nhiều hơn những gì mà người khác muốn.
Chính phủ thì chỉ cần tìm một số phương pháp để chiếm đoạt nhiều hàng hóa hơn mà không cần sự đồng ý của chủ sở hữu.
Một cách là trộm cắp, mà trong nền kinh tế tiền tệ được gọi là “thuế.”
Nhưng thuế thường không được lòng dân, và việc đánh thuế quá mức có thể gây ra sự nổi loạn từ công chúng.
Do đó, chính phủ đã phát hiện ra một cách khác để làm giàu cho mình: làm tiền giả—tạo ra tiền mới từ hư không, thay vì kiếm được tiền thông qua trao đổi hàng hóa và dịch vụ.
Mặc dù nhiều thứ đã thay đổi trong suốt lịch sử, nhưng sự phụ thuộc của chính phủ vào việc làm tiền giả đã tồn tại từ hàng nghìn năm trước.
Ví dụ, ở La Mã cổ đại, các hoàng đế sẽ cạo bớt một phần kim loại từ tiền xu – hoặc thay thế hoàn toàn bằng kim loại kém chất lượng hơn. Bằng cách đó, chính phủ có thể tạo ra những đồng tiền mới để chi tiêu – nhưng với cái giá phải trả là tiền của người dân trở nên kém giá trị hơn.
Ngày nay, chính phủ không còn gây lạm phát tiền tệ bằng cách cắt xén tiền xu, nhưng họ vẫn tiếp tục mở rộng cung tiền bằng cách gây thiệt hại cho mọi người khác.
Bằng cách nào? Có hai cách.
Một là tạo ra tiền trực tiếp.
Một hệ quả của việc sử dụng tiền giấy là việc in thêm tiền vào hệ thống trở nên dễ dàng hơn. Mỗi đồng đô la mới do chính phủ tạo ra mà không được bảo chứng bằng bất kỳ hàng hóa nào đều có tác động tương tự như việc cắt xén kim loại để tạo ra tiền xu mới.
Ngày nay, việc này thậm chí còn dễ dàng hơn. Vì phần lớn giao dịch được thực hiện điện tử, các ngân hàng trung ương—như Cục Dự trữ Liên bang—có thể tạo ra hàng nghìn tỷ đô la mới chỉ bằng một thao tác trên bàn phím. Số tiền này sau đó có thể được bơm qua hệ thống ngân hàng bằng cách ngân hàng trung ương mua tài sản, chẳng hạn như nợ chính phủ hoặc các khoản thế chấp, để đổi lấy số tiền mới in.
Cách khác là điều chỉnh cách các ngân hàng cấp khoản vay. Với hệ thống ngân hàng dự trữ một phần, chính phủ có thể tăng nguồn cung tiền bằng cách thay đổi các yêu cầu về dự trữ trong tiền gửi ngân hàng. Yêu cầu mức dự trữ 90% có nghĩa là chỉ có 10% số tiền trong tài khoản ngân hàng có thể được cho vay. Nếu thay đổi mức dự trữ xuống còn 10%, nguồn cung tiền sẽ tăng theo cấp số nhân, do cách tiền có thể nhân lên trong hệ thống này.
Sự gia tăng cung tiền này có thể tạo ra ảo giác rằng nền kinh tế đang giàu lên. Nhiều tiền hơn có nghĩa là giá của nó—còn được gọi là lãi suất, hay chi phí vay tiền—giảm xuống, khiến cho việc đầu tư vào một dự án mới mà cá nhân tin là có lợi nhuận sẽ trở nên rẻ hơn.
Nếu không có sự gia tăng lượng tiền, điều này sẽ đòi hỏi một sự gia tăng tiền tiết kiệm thực tế, điều này sẽ phản ánh sự thay đổi trong sở thích của người tiêu dùng. Thay vào đó, sự bùng nổ nhân tạo này dẫn đến các khoản đầu tư vào những dự án và ngành công nghiệp mà lẽ ra sẽ không có vẻ sinh lợi nếu theo mức giá thị trường thực tế.
Một sự bùng nổ ngắn hạn sẽ trở thành suy thoái vì không có đủ lợi nhuận để biện minh cho các khoản nợ.
Một chính phủ kiểm soát tiền tệ và hệ thống ngân hàng trong một nền kinh tế có thể sử dụng nó để tịch thu tài sản thông qua lạm phát, chuyển nợ thành tiền và can thiệp vào hoạt động đầu tư nói chung. Tất cả những điều này có thể được thực hiện mà không cần đến sự đàn áp của lực lượng cảnh sát hay quân đội.
Nhưng làm thế nào mà chính phủ đạt được quyền lực này?
Để hiểu điều đó, chúng ta cần xem xét lịch sử của Cục Dự trữ Liên bang.
Nguồn: What Has Government Done to Our Money? Mises Institute.
Biên dịch: Phong trào Duy Tân.