Phần 1. Tại sao phải nghiên cứu về tiền?
Ít có chủ đề kinh tế nào rối rắm và gây khó hiểu nhiều như tiền.
Những cuộc tranh luận nảy lửa vẫn diễn ra xoay quanh “thắt chặt tiền tệ” và “nới lỏng tiền tệ,” về vai trò của Cục Dự trữ Liên bang và Bộ Tài chính, cũng như cách ứng phó với các cuộc khủng hoảng tài chính.
Có lẽ sự khó hiểu này bắt nguồn từ khuynh hướng chỉ tập trung vào các vấn đề kinh tế và chính trị cấp bách của con người. Khi ta chìm đắm hoàn toàn vào những vấn đề hàng ngày, bị khuếch đại bởi chủ nghĩa bè phái chính trị và sự thỏa mãn tức thời của phương tiện truyền thông xã hội, ta sẽ dần đánh mất khả năng phân biệt những điều căn bản và đặt ra những câu hỏi cốt lõi.
Điều này đặc biệt đúng trong nền kinh tế của chúng ta, nơi mà các mối quan hệ đan xen vô cùng phức tạp, buộc chúng ta phải tách biệt một số yếu tố quan trọng, phân tích chúng, rồi truy vết hoạt động của chúng trong thế giới đầy rối ren.
Như thường lệ, mục tiêu của một nhà kinh tế giỏi không chỉ là phân tích những gì hiển hiện mà còn phải so sánh chúng với những khả năng thay thế có thể xảy ra.
Trong số tất cả các vấn đề kinh tế, tiền có lẽ là vấn đề phức tạp nhất, và cũng là nơi ta cần có góc nhìn rộng mở nhất. Hơn nữa, tiền là lĩnh vực kinh tế bị can thiệp và chi phối nhiều nhất qua hàng thế kỷ bởi bàn tay chính phủ. Trên thực tế, phần lớn những người được coi là “chuyên gia” chưa bao giờ nghĩ rằng sự kiểm soát của nhà nước đối với tiền tệ là sự can thiệp vào thị trường tự do; một thị trường tiền tệ tự do là điều không thể tưởng tượng được với họ.
Hệ quả là suốt một thế kỷ qua, các ngân hàng trung ương và giới tinh hoa tài chính đã không ngừng gia tăng quyền lực của mình đối với xã hội, thập kỷ này qua thập kỷ khác.
Về mặt lịch sử, tiền tệ là một trong những thứ đầu tiên bị nhà nước kiểm soát. Thao túng tiền tệ luôn là một trong những cách dễ dàng nhất để nhà nước rút của cải từ công chúng, cho phép chính quyền chi tiêu và kiểm soát nhiều hơn những gì họ có thể làm thông qua thuế.
Nhiều thế hệ người Mỹ chỉ biết đến một nền kinh tế toàn cầu được thúc đẩy bởi tiền pháp định mà không có bất kỳ tài sản hàng hóa nào bảo chứng.
Việc chính trị hóa hoàn toàn một trong những công cụ quan trọng nhất của xã hội loài người đã trực tiếp dẫn đến sự tàn phá và đau khổ ở mức độ mà nhiều người không thể hình dung. Như Nghị sĩ Ron Paul từng nhận xét: “Không phải ngẫu nhiên mà thế kỷ của chiến tranh toàn diện lại trùng với thế kỷ của ngân hàng trung ương.”
Chúng ta cũng sẽ thấy rằng nhiều điều bị xem là thất bại của nền kinh tế tư bản, mà cả cánh tả lẫn cánh hữu đều lên án, thực chất không phải do thị trường gây ra mà là do quá trình xã hội hóa tiền tệ.
Vì vậy, đã đến lúc chúng ta cần dành sự chú ý nghiêm túc đến mạch máu của nền kinh tế—tiền tệ.
Liệu tiền tệ có thể được tổ chức theo nguyên tắc tự do hay không? Liệu chúng ta có thể có một thị trường tự do về tiền tệ cũng như các hàng hóa và dịch vụ khác không? Một thị trường như vậy sẽ trông như thế nào? Và tác động của các biện pháp kiểm soát khác nhau của chính phủ là gì?
Nếu chúng ta ủng hộ thị trường tự do trong các lĩnh vực khác, nếu chúng ta mong muốn loại bỏ sự xâm phạm của nhà nước đối với con người và tài sản, thì chúng ta không có nhiệm vụ nào quan trọng hơn việc khám phá các cách thức và phương tiện để thiết lập một thị trường tự do về tiền tệ.
Nguồn: What Has Government Done to Our Money? Mises Institute.
Biên dịch: Phong trào Duy Tân.