Phần 5. Tháp dinh dưỡng.
Năm 1992, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ công bố hình ảnh sẽ trở thành biểu tượng quen thuộc nhất về dinh dưỡng: Tháp Dinh Dưỡng (Food Pyramid).
Xét ở một số khía cạnh, hình ảnh này—tốn của người nộp thuế gần 1 triệu USD—là một trong những sáng kiến thành công nhất của chính phủ trong lịch sử. Một thập kỷ sau khi được công bố, một cuộc khảo sát của Gallup cho thấy 82% người Mỹ tin rằng Tháp Dinh Dưỡng là chìa khóa cho chế độ ăn uống lành mạnh. Các bậc phụ huynh trên khắp đất nước coi đó là hướng dẫn để nuôi dưỡng con cái.
Tuy nhiên, tỷ lệ béo phì vẫn tiếp tục tăng. Vậy, Tháp Dinh Dưỡng đã sai ở đâu?
Vào những năm 1960, Thượng nghị sĩ George McGovern đã dẫn đầu Ủy ban Dinh dưỡng và Nhu cầu Con người nhằm giải quyết “vấn đề nạn đói” của Mỹ. Mục đích ban đầu là mở rộng các chương trình hỗ trợ thực phẩm, nhưng đến năm 1974, McGovern mở rộng phạm vi của ủy ban để không chỉ giải quyết vấn đề suy dinh dưỡng mà còn cả tình trạng ăn quá nhiều.
Ba năm sau, ủy ban công bố báo cáo “Mục tiêu Dinh dưỡng cho Hoa Kỳ”. Vào thời điểm đó, tỷ lệ béo phì ở người lớn chỉ khoảng 10% và ở trẻ em là 5%. McGovern hy vọng báo cáo này sẽ giúp giảm những con số này bằng cách khuyến khích chế độ ăn ít chất béo và nhiều carbohydrate.
Trong thập kỷ tiếp theo, ngay cả khi chính phủ liên bang tiếp tục thúc đẩy các hướng dẫn dinh dưỡng của McGovern, tỷ lệ béo phì đã tăng gấp đôi.
Điều này khiến Tổng Y sĩ C. Everett Koop xuất bản “Báo cáo về Dinh dưỡng và Sức khỏe” của riêng mình, được mô phỏng theo nghiên cứu năm 1964 của Bộ Y tế về tác hại của thuốc lá. Yếu tố then chốt trong chiến dịch chống hút thuốc là chiến lược tiếp thị của cơ quan này, vì vậy Koop đã mời Bộ Nông nghiệp giúp cô đọng các khuyến nghị của McGovern thành một hình ảnh đơn giản.
Tuy nhiên, không giống như thuốc lá, các hướng dẫn về chế độ ăn uống khó có thể tuân theo công thức đơn giản là bảo mọi người không hút thuốc; tuy vậy, Tháp Dinh Dưỡng lại cố gắng áp dụng cách này với chất béo. Thay vì khuyến nghị mọi người thay thế chất béo bão hòa không lành mạnh bằng chất béo không bão hòa lành mạnh, Tháp Dinh Dưỡng đã gom tất cả các loại chất béo vào phần đỉnh tháp như những thực phẩm cần tránh.
Phần đáy của tháp—đại diện cho phần lớn nhất của chế độ ăn uống lành mạnh—được dành cho các loại ngũ cốc giàu carbohydrate (chất bột đường). Cũng như chất béo, Tháp Dinh Dưỡng không phân biệt giữa các loại carbohydrate khác nhau, trong đó một số loại tốt hơn cho sức khỏe.
Chiến dịch Tháp Dinh Dưỡng thành công đến mức nó trực tiếp góp phần vào “cơn sốt ít béo” trong thập niên 1990. Các cửa hàng tạp hóa tràn ngập thực phẩm “không béo,” từ khoai tây chiên đến bánh Devil’s Food Cakes. Báo cáo dinh dưỡng năm 1988 thậm chí đã nhiều lần khuyến khích các nhà sản xuất thực phẩm áp dụng loại nhãn này, điều đã được đưa vào bộ quy định vào năm 1990.
Tỷ lệ béo phì đã tăng hơn gấp ba lần kể từ khi Báo cáo McGovern được công bố, nhưng các hướng dẫn dinh dưỡng của chính phủ vẫn tiếp tục khuyến khích các khuyến nghị cơ bản của ông, mặc dù ngày càng có nhiều chỉ trích từ các chuyên gia dinh dưỡng vì đã bỏ qua các nghiên cứu mâu thuẫn với lời khuyên chính thức. Đối với các gia đình muốn duy trì thói quen ăn uống lành mạnh, có thể không có một công thức đơn giản nào, nhưng Tháp Dinh Dưỡng là minh chứng cho sự ngu ngốc khi đặt niềm tin vào chuyên môn của các quan chức liên bang.
Nguồn: Progressivism, Mises Institute.
Biên dịch: Phong trào Duy Tân.