Phần 4. Tình trạng thiếu sữa công thức cho trẻ sơ sinh và các quy định liên quan
Cũng giống như trong lĩnh vực giáo dục, những người theo Chủ nghĩa Tiến bộ tiếp tục khẳng định rằng chỉ có các “chuyên gia” thuộc bộ máy hành chính mới biết điều gì là tốt nhất cho bạn và gia đình bạn. Các quy định là chìa khóa để họ “bảo vệ” tất cả chúng ta.
Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA)—cơ quan quản lý tiêu dùng đầu tiên của Mỹ—được thành lập vào năm 1906 như một phần trong nỗ lực của phe Tiến bộ nhằm áp đặt chuyên môn khoa học vào xã hội. Trên thực tế, FDA nhằm bảo vệ mọi người khỏi thị trường tự do.
Vào tháng 7 năm 2019, các đặc vụ liên bang đã đột kích vào một nhà kho ở Philadelphia và thu giữ lượng hàng hóa “chợ đen” trị giá 162.000 USD. Hàng hóa bất hợp pháp này là sữa công thức hữu cơ HiPP của Đức.
Lý do HiPP bị tịch thu là do nhãn của sản phẩm không ghi dòng chữ “low iron” (hàm lượng sắt thấp). Sữa công thức bán ở Mỹ bắt buộc phải ghi rõ là “có sắt” hay “hàm lượng sắt thấp,” bất kể thông tin về hàm lượng sắt đã có sẵn trong phần thông tin dinh dưỡng hay chưa.
Việc tịch thu sữa công thức châu Âu xảy ra khá phổ biến, vì FDA khuyến khích người Mỹ mua các sản phẩm tuân thủ quy định của họ, chẳng hạn như Similac PM 60/40, loại sữa công thức tuân thủ quy định của FDA với nhãn ghi “low iron.” Với sự hỗ trợ của FDA, Similac trở thành sản phẩm sữa công thức phổ biến tại Mỹ. Đáng tiếc, vào năm 2021, chính loại sữa công thức “hàm lượng sắt thấp” được dán nhãn đúng quy định này lại gây ra hàng loạt bệnh cho trẻ sơ sinh do bị nhiễm khuẩn tại nhà máy sản xuất. Điều này dẫn đến tình trạng thiếu hụt sữa công thức nội địa trên toàn quốc.
Nếu bạn nằm trong số hàng triệu phụ huynh gặp khó khăn trong việc tìm sữa để nuôi con trong thời kỳ thiếu hụt này, bạn có thể đã tự hỏi tại sao phần lớn nguồn cung sữa công thức trong nước lại đến từ một nhà máy. Tại sao lại có mức thuế 17,5% đối với sữa công thức nhập khẩu trong thời kỳ thiếu hụt này? Tại sao không có nhiều nhà cung cấp sữa công thức hơn tại Mỹ để lấp đầy khoảng trống?
Để trả lời những câu hỏi này, chúng ta chỉ cần nhìn vào chương trình nghị sự của phe Tiến bộ về việc tăng cường sự phụ thuộc vào chính phủ. Gần hai phần ba lượng sữa công thức tại Mỹ được mua thông qua Chương trình Dinh dưỡng Bổ sung Đặc biệt dành cho Phụ nữ, Trẻ sơ sinh và Trẻ em (WIC) của chính phủ liên bang. Năm 1989, Quốc hội đã thông qua luật yêu cầu các bang trao hợp đồng mua một lần cho bất kỳ ai đưa ra giá thầu thấp nhất, dẫn đến một thời kỳ hợp nhất nhanh chóng trong ngành công nghiệp sữa công thức.
Abbott Nutrition, công ty sở hữu Similac, đã nổi lên như nhà sản xuất lớn nhất trong số bốn nhà sản xuất sữa công thức, và các hợp đồng khổng lồ từ chính phủ cho phép công ty chi hàng triệu đô la vận động hành lang cho các quy định nhằm ngăn cản nhiều đối thủ cạnh tranh hơn gia nhập thị trường. Các nhà kinh tế gọi hiện tượng này là “sự chi phối quy định” (regulatory capture). Năm 2020, chỉ một năm trước khi xảy ra vụ nhiễm khuẩn dẫn đến sự thiếu hụt sữa công thức, Abbott đã quảng cáo sự tận tâm của mình đối với sự an toàn của người tiêu dùng, công khai việc tham gia vào quá trình đảm bảo các yêu cầu về nhãn mác cùng các quy định khác.
Cuộc khủng hoảng thiếu hụt sữa công thức cho thấy mối nguy hiểm kéo dài do các “chuyên gia” thuộc bộ máy hành chính và các quy định của họ gây ra. Không chỉ các nhà quản lý thất bại trong việc ngăn chặn sự nhiễm khuẩn sữa công thức, mà họ còn trực tiếp khuyến khích sự phát triển của công ty gây ra vấn đề này và, bằng cách loại bỏ gần như toàn bộ các lựa chọn thay thế, đã tạo ra tình huống khiến hàng triệu phụ huynh phải vật lộn để nuôi con nhỏ của mình.
Nguồn: Progressivism, Mises Institute.
Biên dịch: Phong trào Duy Tân.