Phần 2. Các Trường Học Với Mô Hình Nhà Máy và Giáo Dục Với Tư Tưởng Tiến Bộ
Năm 1897, John Dewey—thường được coi là cha đẻ của Giáo dục Tiến bộ—đã công bố “Tín điều sư phạm” của mình, trong đó ông nhấn mạnh rằng một trong những mục đích chính của giáo dục là dạy trẻ em “tham gia vào ý thức xã hội, và rằng sự điều chỉnh hoạt động cá nhân dựa trên ý thức xã hội này là phương pháp duy nhất chắc chắn để tái thiết xã hội.”
Dewey tin rằng triết lý của ông thể hiện lý tưởng của cả chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa xã hội. Ông cho rằng nó mang tính cá nhân không phải vì khuyến khích trẻ phát triển sở thích và khả năng riêng, mà vì “nó thừa nhận việc hình thành một phẩm cách nhất định như là cơ sở chân thực duy nhất của cuộc sống đúng đắn.” Triết lý của ông mang tính “xã hội chủ nghĩa” vì “phẩm cách đúng đắn này sẽ được hình thành bởi ảnh hưởng của một hình thức đời sống tổ chức hoặc cộng đồng nhất định đối với cá nhân, và rằng tổ chức xã hội thông qua trường học, như một cơ quan của nó, có thể quyết định các kết quả đạo đức.”
Ba mươi năm sau, Dewey đến thăm Liên Xô của Stalin và viết những lời ca ngợi hệ thống giáo dục mà ông thấy ở đó. “Trẻ em trong các trường học Nga được tổ chức dân chủ hơn nhiều so với của chúng ta, [và] các em đang nhận được thông qua hệ thống quản lý trường học một chương trình đào tạo phù hợp để sau này các em tích cực tham gia vào việc tự quản lý của cả cộng đồng địa phương và các ngành công nghiệp.”
Dewey và những người theo Chủ nghĩa Tiến bộ khác muốn đào tạo trẻ em cho các hoạt động xã hội bằng cách hoàn thiện nền giáo dục theo mô hình nhà máy. Các nhà cải cách giáo dục thế kỷ XIX mong muốn các trường học hoạt động hiệu quả và vô cảm như các cơ sở sản xuất ấn tượng của nước Mỹ, vì vậy họ đã thiết lập một hệ thống đối xử với trẻ em như những công nhân công nghiệp. Dưới sự giám sát chặt chẽ của một giám thị, học sinh làm việc chăm chỉ trong im lặng cho đến khi tiếng chuông báo hiệu thời gian ăn và giao tiếp ngắn ngủi. Tuy nhiên, không giống như công nhân nhà máy, học sinh phải mang công việc chưa hoàn thành về nhà để hoàn tất trước ngày hôm sau.
Tuy nhiên, những người theo Chủ nghĩa Tiến bộ không coi trẻ em là công nhân, mà là hàng hóa. Trong chuyên luận năm 1916 về Quản lý Trường công, Ellwood Cubberley mô tả các trường học là “những nhà máy nơi các sản phẩm thô (trẻ em) được định hình thành các sản phẩm để đáp ứng các yêu cầu khác nhau của cuộc sống. Các thông số kỹ thuật cho quá trình sản xuất đến từ các yêu cầu của nền văn minh, và nhiệm vụ của trường học là xây dựng học sinh theo các thông số kỹ thuật đã được đặt ra.”
Cubberley mơ ước về một hệ thống giáo dục quốc gia được mô phỏng theo các tập đoàn khổng lồ. Ông lấy cảm hứng từ các lý thuyết về “Quản lý Khoa học” của Frederick Winslow Taylor, vốn nhằm nâng cao năng suất công nghiệp thông qua việc quản lý tập trung, công việc được tổ chức nghiêm ngặt và các thước đo hiệu suất được chuẩn hóa. Theo bước Taylor, Cubberley hy vọng cải thiện giáo dục thông qua quản lý tập trung, chương trình giảng dạy đồng nhất và các bài kiểm tra chuẩn hóa.
Giấc mơ của Cubberley đã trở thành hiện thực trong nửa sau của thế kỷ XX, khi chính quyền quốc gia ngày càng khẳng định quyền lực của mình đối với các trường công ở Mỹ. Những người theo Chủ nghĩa Tiến bộ tự tin rằng các nhà giáo dục chuyên nghiệp và các trường công do chính phủ điều hành sẽ mang lại kết quả tốt hơn so với việc giáo dục con cái tại nhà của phụ huynh. Vì vậy, câu hỏi cho thế kỷ XXI là: phương pháp giáo dục nào đã mang lại kết quả tốt nhất?
Nguồn: Progressivism, Mises Institute.
Biên dịch: Phong trào Duy Tân.