Cái giá của chủ nghĩa tiến bộ. Phần 1

Chuỗi lịch sử này tập trung vào những bước tiến lớn mà Washington đang thực hiện nhằm củng cố quyền lực trong nhiều vấn đề vốn ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của chúng ta, và những chi phí mà chúng ta phải trả bằng thuế và sự tự do của mình.

Phần 1. Chủ nghĩa cá nhân (Individualism) so với Chủ nghĩa Tiến bộ (Progressivism)

Henry Adams, hậu duệ trực tiếp của hai vị tổng thống, là một trong những người đầu tiên ủng hộ cái mà sau này được gọi là “Chủ nghĩa Tiến bộ.” Vào cuối thế kỷ XIX, Chủ nghĩa Tiến bộ đã chiếm ưu thế trong giới tinh hoa Mỹ, những người hy vọng hoàn thiện xã hội bằng cách thiết kế các chính sách xã hội để biến mọi người thành những công dân lý tưởng.

Henry tin rằng tinh thần cá nhân chủ nghĩa của nước Mỹ đã cản trở tầm nhìn này, tuyên bố rằng “người dân Mỹ buộc phải lựa chọn giữa nguyên tắc cá nhân chủ nghĩanguyên tắc xã hội chủ nghĩa.” Theo cách giải thích của Henry, những người theo chủ nghĩa cá nhân tìm cách giới hạn nghiêm ngặt quyền lực của nhà nước, trong khi những người theo Chủ nghĩa Tiến bộ—dựa trên nguyên tắc xã hội chủ nghĩa—“sẽ hợp nhất tính cách của cá nhân vào nhà nước.”

Nhưng điều này có nghĩa là gì?

Thứ nhất, nó có nghĩa là coi “xã hội,” chứ không phải cá nhân, là đơn vị cơ bản của tổ chức xã hội. Những người theo Chủ nghĩa Tiến bộ tin rằng trật tự xã hội cần được áp đặt một cách đồng nhất bởi một chính phủ cưỡng chế, và rằng “xã hội”—một khái niệm mơ hồ—hình thành nên nhà nước, từ đó thiết lập một bộ máy hành chính quan liêu.

Thứ hai, nó có nghĩa là trao quyền ra quyết định vào tay các “chuyên gia”—tức là những quan chức được bổ nhiệm bởi chính phủ, những người được cho là sở hữu sự thông thái cần thiết để xác định điều gì là tốt nhất cho toàn thể người dân Mỹ. Về cơ bản, những người theo Chủ nghĩa Tiến bộ lập luận rằng các chính sách nên ưu tiên nhu cầu của “xã hội” hơn là quyền của các cá nhân, những người bị họ coi là quá thiếu hiểu biết và ích kỷ để tự đưa ra quyết định.

Viết sau Henry Adams sáu mươi năm, nhà kinh tế Friedrich Hayek đã bảo vệ chủ nghĩa cá nhân trước sự tấn công của phe Tiến bộ. Hayek lập luận rằng “chủ nghĩa cá nhân đích thực” “khẳng định giá trị của gia đình, tin vào quyền tự chủ của địa phương, và cho rằng nhiều việc mà hành động cưỡng chế của nhà nước thường được viện dẫn có thể được thực hiện tốt hơn thông qua sự hợp tác tự nguyện.” Ông tin rằng trật tự xã hội xuất hiện một cách tự nhiên khi các cá nhân tương tác với nhau, hình thành nên các gia đìnhcộng đồng.

Theo Hayek, sự khác biệt quan trọng giữa hai triết lý này là cách chúng ảnh hưởng đến quá trình ra quyết định, liên quan đến các câu hỏi về động cơ, kiến thức, và trách nhiệm. Nói cách khác, ai là người quan tâm đến lợi ích của gia đình bạn? Ai hiểu rõ nhất những nhu cầu và hạn chế riêng của họ? Và ai sẽ trả tiền cho những quyết định mà mọi người đưa ra?

Triết lý của Chủ nghĩa Tiến bộ cho rằng nhà nước chịu trách nhiệm cho những quyết định này, làm điều tốt nhất cho toàn xã hội; rằng việc ra quyết định nên được tập trung hóa vì chỉ các quan chức chuyên nghiệp mới có chuyên môn cần thiết để biết điều gì thực sự tốt nhất cho người dân; và rằng chi phí nên được xã hội hóa—nói cách khác, người dân ở vùng nông thôn Florida sẽ phải chịu trách nhiệm tài chính cho người dân ở San Francisco, và ngược lại.

Nhưng triết lý cá nhân chủ nghĩa nhận ra rằng bạn quan tâm nhiều hơn đến hạnh phúc của gia đình mình và hiểu rõ hơn về hoàn cảnh cụ thể của mình so với các nhà lãnh đạo ở Washington, và rằng chi phí của bất kỳ quyết định nào nên được tư nhân hóa—bạn nên chịu trách nhiệm cho những lựa chọn của mình, chứ không phải những lựa chọn của những người xa lạ.

Sự lựa chọn giữa hai triết lý này liên quan đến mọi lĩnh vực của cuộc sống, nhưng có lẽ sự khác biệt rõ ràng nhất giữa chúng nằm ở những quyết định chúng ta phải đối mặt liên quan đến giáo dục của con cái mình.

Nguồn: Progressivism, Mises Institute.

Biên dịch: Phong trào Duy Tân.


Thẻ: