Từ tháng 9 năm 2024, Phong trào Duy Tân chính thức dấn thân cho tiến trình dân chủ hoá Việt Nam. Sự tham gia của Phong trào Duy Tân diễn ra vào lúc phong trào dân chủ hoá Việt Nam dường như đã ngừng lại. Trong nước tất cả các hội đoàn xã hội dân sự dường như đã ngừng hoạt động dưới sự đàn áp khốc liệt của cường quyền. Ngoài nước, các đảng chính trị hải ngoại cũng không khá hơn. Thời gian đã khiến những nhân sỹ chính trị — những người có một tình cảm sâu đậm với quê hương — ngày càng già đi và không còn có thể tham gia hoạt động hiệu quả được nữa. Lớp trẻ không muốn kế thừa. Có nhiều lý do để lớp trẻ không muốn kế thừa, nhưng lý do lớn nhất đó là họ không thấy được tương lai của cuộc đấu tranh. Giữa những bi quan đến cùng cực đó, Phong trào Duy Tân xuất hiện với một nguyện ước đơn giản rằng chúng tôi muốn cùng chia sẻ gánh nặng trách nhiệm trên hành trình xây dựng dân chủ và thịnh vượng cho Việt Nam.
Chúng tôi có ý thức được những khó khăn của việc mình làm hay không? Chắc chắn là có. Nhưng chúng tôi tin rằng đó là con đường mà dân tộc của mình phải đi để đến được bến bờ của dân chủ. Liệu chúng tôi có khả năng nào để thành công hay không? Chắc chắn là có. Những nghiên cứu chính trị chỉ ra cùng một kết quả rằng nếu phong trào dân chủ vận động được sự ủng hộ của 3% dân số thì quá trình dân chủ hoá sẽ sang trang. Với một dân số 100 triệu người, 3% dân số tức là chỉ khoảng 3 triệu người, hay nó tương ứng với một phần ba dân số của thành phố lớn nhất của Việt Nam là Sài Gòn. Nó là một con số có thể thực hiện được.
Đến đây thì độc giả sẽ hỏi rằng đâu là những chiến lược của Phong trào Duy Tân (PTDT) và PTDT khác gì với những tổ chức khác.
Hãy để tôi kể bạn một câu chuyện.
Cách đây gần 10 năm, tôi có gặp Srdja Popović (SP) trong một hội thảo về dân chủ diễn ra ở Oslo. Cho đến lúc này tôi đã dành một thời gian khá dài để tìm hiểu về các phương thức vận động chính trị bất bạo động. SP khác với những học giả hàn lâm nghiên cứu về đấu tranh bất bạo động như Gene Sharp, người đã dành cả đời mình cho công việc này và sáng lập nên viện Albert Einstein vốn chuyên hỗ trợ cho các phong trào dân chủ hoá. SP là một người thực tiễn, một người không chỉ nắm vững lý thuyết đấu tranh bất bạo động mà còn là người có kinh nghiệm thực tế; ông là người đã dành một phần cuộc đời của mình để dẫn dắt phong trào Otpor, phong trào tranh đấu của sinh viên Serbia để cuối cùng lật đổ nhà độc tài Slobodan Milosevic.
Giữa tôi và SP không nói câu nào về lý thuyết bởi chúng tôi đã hiểu nhau. SP chỉ nói một câu, “bạn cần phải đẩy đường biên đi xa hơn, và đến một giới hạn mà họ chịu được”. Câu nói tưởng chừng đơn giản đó nhưng nó chất chứa bao nhiêu kinh nghiệm của một đời người đấu tranh.
Nếu chúng ta vẽ một vòng tròn và sau đó vẽ thêm một đường gạch chia vòng tròn làm hai phần, một phần sẽ là chính quyền, và phần còn lại là xã hội. Khi chính quyền càng lớn, vai trò của xã hội sẽ càng nhỏ lại và sự tự do ngày càng ít đi. Ngược lại, khi vai trò của xã hội ngày càng lớn, nó sẽ đẩy đường biên giới của mình đi xa hơn buộc chính quyền phải thu hẹp quyền lực lại. Sự tự do của xã hội do đó chỉ có được trong một đất nước nơi mà quyền lực của chính quyền bị giới hạn.
Những ngày này, PTDT đang tích cực đẩy đường biên giới ngày một xa hơn bằng cách từng bước giành và thực thi lấy những quyền công dân mà Việt Nam đã công khai ký nhận khi tham gia các công ước nhân quyền của Liên Hiệp Quốc.
PTDT đã thành lập một đảng chính trị như là một cách để thực thi quyền lập hội và quyền tham gia chính trị của công dân. PTDT đã ra báo như là một cách để thực thi quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí.
Nhưng quan trọng hơn, qua các phương tiện truyền thông của mình PTDT muốn cung cấp cho người Việt, bất kể ở phía nào, những kiến thức kinh tế và chính trị bổ ích nhất. PTDT mang những suy tư của các học giả quốc tế đến với góc nhìn của người Việt. PTDT cũng trình bày những nghĩ suy của những học giả người Việt nhằm gợi mở một cuộc thảo luận công khai về những vấn đề của đất nước. PTDT không chắc ủng hộ hoàn toàn những quan điểm này, nhưng PTDT cung cấp những ý kiến như là một môi trường trao đổi học thuật để mọi người có cơ hội soi xét những góc nhìn khác nhau. Mục tiêu cuối cùng mà PTDT muốn hướng đến đó là góp phần hình thành nên một tầng lớp học giả và lãnh đạo mới của quốc gia, bởi vì chỉ có những con người hiểu biết thì một chế độ dân chủ mới đem lại thịnh vượng.
Chỉ trong gần 4 tháng ngắn ngủi, PTDT đã bắt đầu kiện toàn tổ chức và đã đi được một quãng đường dài với một nguồn lực khiêm tốn mà tôi nghĩ có rất ít tổ chức làm được như vậy. Một cách đều đặn, hàng tuần chúng tôi có một tuần san rất đặc sắc mà phần lớn trong số đó là do PTDT sưu tầm và biên dịch.
Trong năm 2025, PTDT dự định sẽ phát triển những hoạt động mới. Chúng tôi sẽ có thêm những chương trình podcast dành cho những độc giả thích nghe hơn thích đọc. Chúng tôi sẽ tiếp tục có những tuần san đều đặn mỗi tuần. Hơn nữa, chúng tôi dự định sẽ tổ chức biên dịch ít nhất là 6 cuốn sách về các chủ đề kinh tế và chính trị — đó là những cuốn sách mà tác giả cho phép biên dịch và xuất bản phi thương mại. Và nếu tình hình tài chính cho phép, chúng tôi sẽ có các chương trình video phong phú hơn. Mục đích cuối cùng của chúng tôi là sẽ hình thành nên một cơ quan truyền thông đa phương tiện. Chúng tôi có những anh em nhà báo đứng sau chấp nhận hỗ trợ bất chấp những hiểm nguy, nhưng chúng tôi cũng cần có những khoản tài chính nhất định để chi trả cho những hoạt động của họ.
Vì vậy, sau những suy nghĩ, chúng tôi quyết định thiết lập một địa chỉ để nhận sự ủng hộ của quý bạn hữu. Quý bạn không cần ủng hộ nhiều, bạn có thể chỉ ủng hộ chúng tôi chi phí một ly cà phê như cách đối xử giữa những người bạn mà mình quý mến và với chi phí này, bạn không chỉ nhận được những bài báo bổ ích mà bạn còn góp phần dựng xây nên nền dân chủ cho Việt Nam.
Trong điều kiện hiện tại khi gửi tiền cho chúng tôi bạn có thể phải gặp nguy hiểm. Cũng như việc chi trả số tiền này cho những người nhận cũng có thể khiến họ gặp phải hiểm nguy. Vì vậy, việc chi và nhận số tiền này chúng tôi xin phép không công khai. Khi bạn quyết định tặng tiền cho chúng tôi, điều này đồng nghĩa với việc bạn đồng ý với nguyên tắc này.
Hiện tại, để tiện quản lý, chúng tôi chỉ nhận quyên góp qua duy nhất tài khoản PayPal tại địa chỉ: phongtraoduytanvietnam@gmail.com
Thân mến,
Nguyễn Huy Vũ
Chủ tịch Phong trào Duy Tân.