Tác giả: Hoàng Anh Tuấn.
[1493: LỊCH SỬ THƯƠNG MẠI TRUNG QUỐC – PHƯƠNG TÂY VÀ BÓNG DÁNG TRẬN CHIẾN THUẾ QUAN MỸ – TRUNG HIỆN NAY]
Cuốn sách “1493: Khám phá thế giới mới do Columbus tạo ra” (UNCOVERING THE NEW WORLD COLUMBUS CREATED) là bản gốc xuất bản năm 2011 và tái bản năm 2018 với tên gọi mới “1493: Từ hành trình của Colombo đến toàn cầu hóa” (1493: FROM COLMBUS’S VOYAGE TO GLOBALIZATION). Đây là tác phẩm của nhà báo – nhà sử học Charles C. Mann. Khi mới phát hành, cuốn sách gây ít sự chú ý. Tuy nhiên, từ khi cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung bùng nổ và đặc biệt sau dòng chia sẻ của Elon Musk trên nền tảng mạng xã hội X cách đây ít ngày, gọi đây là “cuốn sách đáng đọc”, nhiều độc giả đã quay lại tìm hiểu. Họ phát hiện ra những mô thức lịch sử lặp lại một cách đáng kinh ngạc giữa căng thẳng thương mại Mỹ – Trung hiện tại với các chu kỳ xung đột kinh tế – thuế quan kéo dài hơn 430 năm giữa phương Tây và Trung Quốc, khởi đầu từ năm 1493, năm sau chuyến đi của Columbus. Như vậy, những “đòn” thuế quan đã được các cụ “tung” ra từ hơn 4 thế kỷ trước.
TẠI SAO LÀ NĂM 1493
1493 là thời điểm khởi phát của cái gọi là “Trao đổi Colombia” (Columbia n Exchange)* – một chuỗi tương tác sinh học, thương mại, công nghệ và dân số chưa từng có trong lịch sử giữa các châu lục sau khi châu Mỹ được khám phá. Trung Quốc, tuy không liên quan trực tiếp đến chuyến đi của Columbus, nhưng nhanh chóng trở thành trung tâm của mạng lưới thương mại toàn cầu nhờ vai trò là thị trường tiêu thụ bạc và là nguồn cung cấp hàng hóa cao cấp như trà, lụa và đồ sứ.
MỘT SỐ NHẬN XÉT ĐÁNG CHÚ Ý RÚT RA TỪ CUỐN SÁCH VÀ LIÊN HỆ VỚI “CUỘC CHIẾN THUẾ QUAN” HIỆN TẠI
1. MÔ HÌNH THÂM HỤT THƯƠNG MẠI TÁI LẶP LẠI
Ngay từ thế kỷ XVI, Tây Ban Nha và các quốc gia phương Tây đã chịu thâm hụt thương mại lớn với Trung Quốc khi phải dùng bạc nhập khẩu hàng hóa Trung Hoa. Tương tự, Mỹ hiện nay lo ngại mức thâm hụt hơn 300 tỷ USD/năm với Trung Quốc và coi đây là mất cân bằng chiến lược.
2. THUẾ QUAN NHƯ CÔNG CỤ KIỂM SOÁT
Trong thế kỷ XVII, Tây Ban Nha, Anh và Hà Lan áp đặt thuế quan với hàng Trung Quốc (lụa, sứ) để bảo vệ sản xuất nội địa. Điều này gợi lại chính sách thuế 145% của chính quyền Tổng thống Trump hiện nay đối với hàng hóa Trung Quốc.
3. CHÍNH SÁCH BẾ QUAN TỎA CẢNG CỦA TRUNG HOA
Chế độ nhà Thanh áp đặt Hệ thống Quảng Châu (Canton System) hạn chế thương nhân nước ngoài, tương tự như các rào cản kỹ thuật và hành chính mà Mỹ cáo buộc Trung Quốc duy trì nhằm bảo vệ thị trường trong nước.
4. TRẬN CHIẾN TRÀ – BẠC – NHA PHIẾN
Thế kỷ XVIII, nhu cầu trà tại Anh gây ra khủng hoảng cán cân thanh toán với Trung Quốc. Đông Ấn Anh quốc bắt đầu xuất khẩu nha phiến để cân bằng, dẫn tới Chiến tranh Nha phiến – một tiền lệ nhức nhối về thương mại bị vũ khí hóa, tương tự cách Mỹ và Trung Quốc hiện sử dụng công cụ kinh tế để trừng phạt lẫn nhau.
5. VAI TRÒ CỦA CÁC TẬP ĐOÀN TOÀN CẦU
Công ty Đông Ấn, tiền thân của tập đoàn đa quốc gia ngày nay, là chủ thể thúc đẩy thương mại, nhưng cũng làm trầm trọng xung đột. Ngày nay, các tập đoàn như Apple hay Tesla đang tìm cách giảm lệ thuộc Trung Quốc – một sự lặp lại mô hình “chuyển vùng sản xuất” từ Trung Quốc sang Ấn Độ như từng xảy ra với trà vào thế kỷ XIX.
6. CHUYỆN LẬP LẠI CỦA NHỮNG MẠNG LƯỚI MẬU DỊCH
Manila từng là trung tâm trung chuyển hàng Trung Quốc – châu Mỹ. Ngày nay, một số nước Đông Nam Á, Mexico, kể cả Canada đóng vai trò mới trong chuỗi cung ứng thay thế, trong bối cảnh Mỹ áp thuế nặng với Trung Quốc và tái cơ cấu sản xuất toàn cầu.
7. THƯƠNG MẠI DƯỚI ÁP LỰC QUỐC PHÒNG
Lịch sử cho thấy căng thẳng thương mại từng đi kèm với cạnh tranh địa – chính trị, từ Tây Ban Nha với Trung Quốc đến hiện tại là Mỹ – Trung ở eo biển Đài Loan, Biển Đông, và trong các liên minh kinh tế – an ninh như QUAD hay BRICS+.
8. CẤU TRÚC THỊ TRƯỜNG KHÔNG ĐỐI XỨNG
Giống như thời nhà Thanh chỉ nhận bạc, hiện Trung Quốc bị chỉ trích vì tiếp tục duy trì các chính sách bảo hộ, kiểm soát vốn, và trợ giá xuất khẩu, làm xói mòn nguyên tắc thị trường tự do – một điểm mấu chốt trong tranh chấp Mỹ – Trung.
9. PHÁP LÝ HÓA VÀ ÉP BUỘC BẰNG HIỆP ƯỚC
Sau Chiến tranh Nha phiến, Trung Quốc bị ép ký “hiệp ước bất bình đẳng.” Ngày nay, Mỹ và các đồng minh yêu cầu Trung Quốc tuân thủ chuẩn mực WTO, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, minh bạch trợ cấp – cho thấy sự tiếp nối logic ép buộc qua luật định.
10. BÀI HỌC TỪ QUÁ KHỨ: KHÔNG CÓ LỐI THOÁT DỄ DÀNG
Charles Mann chỉ ra rằng hệ quả của xung đột thương mại không chỉ là kinh tế mà còn làm thay đổi hệ sinh thái, cấu trúc quyền lực toàn cầu. Cuộc chiến thuế quan Mỹ – Trung không chỉ là tranh chấp lãi suất hay sản lượng, mà là tranh giành vai trò dẫn dắt trật tự kinh tế hậu toàn cầu hóa.
KẾT LUẬN
Cuốn sách “1493: Khám phá thế giới mới do Columbus tạo ra” không đơn thuần là một khảo cứu lịch sử mà còn là một tấm gương phản chiếu thực tại. Khi Elon Musk gọi đây là cuốn sách “nên đọc” để hiểu căng thẳng thuế quan kéo dài 400 năm giữa Trung Quốc và phương Tây, ông không hề nói quá. Cuộc chiến thương mại hiện nay không phải là điều mới – nó là một chương mới trong cuốn sử lâu dài của một cuộc đối đầu chưa bao giờ kết thúc.
—-
* “Trao đổi Columbus” (Columbian Exchange) là thuật ngữ chỉ quá trình trao đổi sinh học, văn hóa, nông nghiệp và dịch bệnh giữa châu Âu, châu Á, châu Phi và châu Mỹ sau chuyến đi phát hiện châu Mỹ của Christopher Columbus vào năm 1492.