Những bài học từ bộ phim “Một Lực Còn Mạnh Hơn”

Tác giả: Nguyễn Huy Vũ

Một Lực Còn Mạnh Hơn (A Force More Powerful) là một chuỗi phim tài liệu về những câu chuyện quan trọng và ít được biết đến nhất của thế kỷ 20: cách mà sức mạnh phi bạo lực đã thắng áp bức và chế độ độc tài, đó là một phương tiện hiệu quả mà nhiều phong trào tranh đấu cho tự do đã vận dụng để chống lại độc tài và dân chủ hoá quốc gia của họ. 

Chuỗi phim tài liệu này có 6 phim, kể 6 câu chuyện khác nhau, và được chia làm hai phần. Nó được trình bày như là những kinh nghiệm mà phong trào dân chủ Việt Nam có thể học hỏi.

Phần 1 bao gồm ba trường hợp tranh đấu: cuộc tranh đấu của người da đen ở Hoa Kỳ chống nạn kỳ thị chủng tộc, cuộc tranh đấu chống chế độ độc tài và nạn phân biệt chủng tộc ở Nam Phi, và cuộc tranh đấu dành độc lập của người Ấn Độ. 

Phần 2 bao gồm ba trường hợp tranh đấu ở Đan Mạch, Ba Lan, và Chi-Lê. Ở Đan Mạch, các lãnh đạo Đan Mạch đã vận dụng phong trào phản kháng phi bạo lực núp dưới dạng hợp tác để chống lại các yêu sách của Đức Quốc xã. Ở Ba Lan, các công nhân đã thương thuyết để hình thành nên Phong trào Đoàn kết và cuối cùng đưa Phong trào Đoàn kết trở thành một chính đảng cầm quyền. Ở Chi-Lê, các công nhân đã khởi đầu các cuộc biểu tình bất bạo động năm 1983 chống lại chế độ độc tài quân sự của Pinochet để rồi tới năm 1988 đã đánh bại Pinochet trong một cuộc trưng cầu dân ý. 

Sức mạnh lớn nhất của phong trào đấu tranh bất bạo động bắt nguồn từ tính chính nghĩa, nó phải đại diện cho những giá trị tiến bộ mà một xã hội sẽ đạt đến theo thời gian cùng với văn minh của nhân loại, mà cụ thể là các giá trị tự do và dân chủ như tự do ngôn luận, tự do hội họp, tự do lập hội, tự do bầu cử, v.v. 

Sức mạnh thứ hai của phong trào đấu tranh bất bạo động nằm ở tính phi bạo lực. Phong trào khước từ tất cả các hành động bạo lực nhằm làm tổn thương đối lập hay chính mình, mà thay vào đó phong trào sẽ chọn các hình thức phản kháng ôn hoà nhưng có sức mạnh lớn hơn nhiều mang đặc tính bất hợp tác như tẩy chay, biểu tình, đình công, v.v. mà mục đích cuối cùng của nó là thuyết phục số đông trong xã hội chấm dứt sự ủng hộ của họ dành cho nhóm nhỏ cầm quyền. Sự phi bạo lực cho phép sự tham gia đông đảo của mọi người, đủ mọi thành phần. Sự phi bạo lực chính nó cũng gửi đi một thông điệp về lòng bao dung, tính nhân hậu, và lòng quyết tâm dựng xây một xã hội tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người, kể cả những người đang cầm quyền. Đó là lý do mà mỗi khi chế độ độc tài cầm quyền sử dụng bạo lực để đàn áp phong trào bất bạo động, sức mạnh của phong trào nhanh chóng dâng lên với sự tham gia của nhiều người khác nhau vì nó đánh động lương tâm của xã hội, và vì vậy mà mỗi khi chọn đàn áp phong trào bất bạo động bằng sức mạnh, phe cầm quyền ngay lập tức mất đi tính chính danh và chính quyền độc tài nhanh chóng sụp đổ.

Và sức mạnh thứ ba của phong trào đấu tranh bất bạo động nằm ở ba điểm của tam giác vàng, đó là đoàn kết, hoạch định và kỷ luật. Cả ba điều này cần phải được điều phối dưới một tổ chức hoặc một liên minh. Nó phải có những yêu sách rõ ràng, không nhượng bộ, một chiến lược được hoạch định một cách cẩn trọng nhằm mục đích gỡ bỏ những mắc xích tạo nên quyền lực của nhóm cầm quyền, và nó phải bảo đảm rằng kỷ luật bất bạo động không được vi phạm. 

Trong các chế độ độc tài, sức mạnh của một nhóm nhỏ cầm quyền có được nhờ ở sự tuân phục của một lực lượng lớn những người bên trong chính quyền. Tuy vậy, ngoại trừ nhóm nhỏ lãnh đạo được hưởng những ân huệ đặc biệt, phần đông những quan chức cấp thấp trong chính quyền, những quân nhân hay sĩ quan an ninh chỉ nhận những đồng lương cơ bản và sống cuộc đời bình thường như những người dân khác. Khi phong trào bất bạo động phổ biến và lớn mạnh, nó sẽ tự động thuyết phục nhóm phục tùng này đứng về phía nhân dân và chấm dứt chế độ độc tài.

Một câu hỏi của nhiều bạn khi đọc đến đây đó là đâu là chiến lược cho một phong trào bất bạo động nhằm đem lại tự do và dân chủ cho Việt Nam?

Dưới đây là câu trả lời của tôi. 

Việt Nam đã ký kết nhiều công ước quốc tế về quyền con người, như Công ước Quốc tế về Các quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR), Công ước Quốc tế về Các quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa (ICESCR) và cả Hiến chương Nhân quyền Liên Hợp Quốc. Hiến pháp Việt Nam năm 2013 cũng trình bày một cách rõ ràng các quyền con người, trong đó có quyền tự do ngôn luận, quyền tự do báo chí, quyền lập hội, quyền bầu cử, v.v.

Do đó, việc của một phong trào dân chủ cho Việt Nam là đòi hỏi những quyền này được thực thi trên thực tế như nó được minh định rõ ràng trên các văn bản của pháp luật. 

Trong sự khiêm tốn của mình, tôi nghĩ rằng để những quyền này được thực thi không gì hay hơn là chúng ta, một cách phi bạo lực, cùng thực thi những quyền của mình. 

(1) Với quyền tự do ngôn luận, chúng ta hãy mạnh dạn thể hiện quan điểm của mình trên các phương tiện truyền thông mà một phương tiện hiệu quả là mạng xã hội. 

(2) Với quyền tự do báo chí, chúng ta hãy lập ra thêm các tờ báo độc lập. 

(3) Với quyền tự do lập hội, hãy kết nối những người bạn cùng quan điểm với mình để hình thành nên những hội nhóm, công đoàn, đảng phái chính trị.

(4) Và quan trọng nhất là quyền bầu cử và ứng cử tự do, chúng ta phải lên tiếng liên tục đòi chính quyền phải sửa luật bầu cử (Luật Bầu cử Đại biểu Quốc hội và Đại biểu Hội đồng Nhân dân) nhằm loại bỏ chức năng hiệp thương và giới thiệu ứng viên của Mặt trận Tổ quốc, mà thay vào đó phải là những tiêu chí minh bạch và công bằng cho tất cả các ứng viên. Trong suốt một thời gian dài, đảng Cộng sản đã mượn quy định hiệp thương và giới thiệu ứng viên của Mặt trận Tổ quốc được ghi trong luật bầu cử nhằm gạt bỏ tất cả những ứng viên mà đảng Cộng sản không thích. Song song đó, phải đòi hỏi rằng cơ quan bầu cử là độc lập. 

Nguồn phim: A Force More Powerful, International Center on Nonviolent Conflict, 22/09/2024.


Đăng ngày

trong

,

Thẻ: