Số phận Nguyễn Xuân Phúc và chính trường Việt Nam từ nay đến Đại hội 14

Tác giả: Dư Lan, RFA.

Chính trường Việt Nam hiện nay có ba chuyển động liên quan đến các lãnh đạo trên thượng tầng.

Chuyển động thứ nhất là vụ việc Cận vệ của ông Lương Cường bị bắt vì “quấy rối tình dục” ở Chile, ngay trong chuyến công du ngoại quốc đầu tiên của vị chủ tịch nước. Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn (chủ tịch công ty AIC) tiếp tục bị truy tố, kết án là chuyển động thứ hai Và chuyển động thứ ba xảy ra hôm 2 tháng 11, khi truyền thông Nhà nước loan tin ông Mai Tiến Dũng, cựu Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ thời ông Nguyễn Xuân Phúc làm thủ tướng, bị truy tố

Trong ba sự kiện liên quan đến chính trị thượng tầng nêu trên, vụ việc Mai Tiến Dũng làm phát lộ nhiều chuyển động đằng sau hậu trường chính trị Việt Nam rõ ràng nhất. 

Ông này trở thành Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đầu tiên ở Việt Nam bị bắt giam và khởi tố vào ngày 30 tháng Tư năm 2024.

Điều đáng chú ý là theo truyền thông nhà nước, ông Dũng khai được “cấp trên” chỉ thị giải quyết các yêu cầu của công ty Sài Gòn Đại Ninh, dẫn đến những quyết định trái pháp luật vào năm 2020.

Việc truyền thông nhà nước đưa tin về “cấp trên” của cựu Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đã gây xôn xao trong giới quan sát chính trường Việt Nam. Bởi vì “cấp trên” cao nhất của ông Dũng trong giai đoạn xảy ra vụ án là cựu Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, nhiệm kỳ 2016 đến năm 2021.

Quá trình Mai Tiến Dũng bị xử lý cho thấy nhiều điều. Số phận chính trị của Mai Tiến Dũng đã kết thúc từ năm 2021, nhưng mọi chuyện vẫn chưa dừng lại ở đó.  

Sau khi bị Quốc hội miễn nhiệm chức Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ vào năm 2021, hai năm sau, vào ngày 13 tháng Ba năm 2023, ông Dũng tiếp tục bị Ban Bí thư Bộ Chính trị kỷ luật với mức độ “cảnh cáo”, liên quan đến vụ “chuyến bay giải cứu” trong đại dịch COVID-19. 

Một năm sau đó, đến ngày 4 tháng Năm năm 2024, ông này bị Bộ Công an bắt tạm giam. Và mười ngày sau, ngày 16 tháng Năm, thì  bị khai trừ khỏi đảng. Và gần đây nhất, ngày 2 tháng Mười một, 2024, ông Mai Tiến Dũng bị khởi tố

Những lần bị bắt và khởi tố này liên quan đến tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” trong vụ án bất động sản Sài Gòn Đại Ninh. 

Lần này ông Mai Tiến Dũng đã khai ra “cấp trên” của ông là người chỉ đạo ông làm sai. 

Luật bất thành văn

Tại cuộc họp báo về sự kiện bắt giam ông Mai Tiến Dũng hồi tháng Năm 2024, Trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an khi đó, cho biết Bộ Công an đã báo cáo với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, về một số vụ án do Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo. 

Ông cố tổng bí thư khen ngợi lực lượng công an và yêu cầu cơ quan này “quyết tâm, quyết liệt hơn nữa theo tinh thần thượng tôn pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực.”

Lời khai của ông Mai Tiến Dũng về chỉ đạo của “cấp trên” cùng lời chỉ đạo của cố tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, vốn nhất quán với các chỉ đạo trước đó của ông,[TN1] [RT2]  đã mở ra cánh cửa đưa lưỡi gươm của Bộ Công an đến gần  cựu thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Câu hỏi đặt ra lúc này là liệu đảng cầm quyền sẽ phá lệ, truy tố cả thành viên “tứ trụ” dù đã về hưu? Thông điệp gì sẽ được gửi cho hệ thống chính trị nếu truy tố cả thành viên “tứ trụ”?

Trao đổi với RFA, Giáo sư Carl Thayer ở Đại học UNSW Canberra cho rằng Đại hội đảng lần thứ 14 sẽ đánh dấu một khởi đầu mới cho Việt Nam vì sự kiện này sẽ thay đổi lãnh đạo của Đảng trong Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và Ban Bí thư. Theo ông, một đường lối mới sẽ được vạch ra. Bất kỳ viên chức nào đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo cao cấp trong Đảng và Nhà nước, bao gồm cả “tứ trụ” sẽ nhận được một thông điệp rõ ràng rằng tham nhũng và không giám sát nghiêm ngặt cấp dưới sẽ phải chịu hình phạt. Tóm lại, cuộc chiến chống tham nhũng của Nguyễn Phú Trọng sẽ tiếp tục.

Chiến dịch chống tham nhũng của đảng cầm quyền từ trước đến nay từng bị cho là chỉ “tắm từ vai trở xuống”, như lời ông Ngô Văn Sửu, cựu quan chức tại Ủy ban Kiểm tra Trung ương nói hồi đầu năm 2024. “Tắm từ vai trở xuống” có nghĩa là chống tham nhũng chỉ nhắm đến các quan chức cấp trung và cấp thấp, không đụng tới lãnh đạo ở thượng tầng.  

Trao đổi với RFA, Giáo sư Zachary Abuza ở Đại học Chiến tranh Quốc gia Hoa Kỳ cho biết ông không tin “chống tham nhũng” là nguyên nhân khiến nhiều lãnh đạo cấp cao bị sa thải. 

“Đối với việc nhiều nhà lãnh đạo cấp cao ở Việt Nam bị sa thải, tôi nghi ngờ lý do “chống tham nhũng”. Bởi vì cho đến nay, rất ít người bị truy tố. Đinh La Thăng là thành viên Bộ Chính trị duy nhất phải vào tù. 

Còn những người khác đều được hưởng sự hạ cánh nhẹ nhàng. Họ mất chức nhưng vẫn giữ được tài sản và quyền lợi của mình. Tất cả họ đều có tài sản không giải thích được. Họ có thể không còn trong các hành lang quyền lực nữa, nhưng họ vẫn đang ở trong các biệt thự và trên sân golf.” 

Nguyên tắc bất thành văn “không trảm tứ trụ” ít nhất cho đến nay vẫn được duy trì.

Trong lịch sử của đảng cầm quyền, chưa từng bao giờ có một trong các chức danh thủ tướng, chủ tịch nước, chủ tịch quốc hội và tổng bí thư bị truy tố. Ông cựu chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc vào tháng Một năm 2023 và sau đó Võ Văn Thưởng tháng Tư năm 2024 đều được trung ương cho “thôi chức vụ” và về hưu.

Nguyễn Xuân Phúc và bàn cờ chính trị

Theo nhiều nhà quan sát, nền chính trị thượng tầng  của Việt Nam không thuần nhất mà có nhiều nhóm khác nhau.

Do đó, trên đường đến Đại hội 14 sẽ diễn ra vào đầu năm 2026, Tổng bí thư Tô Lâm vẫn phải “bình định” để bảo đảm quyền lực trên thượng đỉnh của mình ổn định. 

Nếu ông Nguyễn Xuân Phúc bị “trảm” thì đây là lần đầu tiên một “tứ trụ” bị xử lý hình sự. Câu hỏi đặt ra là trong bối cảnh chính trị thượng tầng Việt Nam đang hướng tới Đại hội 14 vào đầu năm 2026, điều đó có hàm ý gì cho các “tứ trụ” hiện tại và tương lai nói riêng và cả hệ thống chính trị nói chung?  

Giáo sư Carl Thayer cho rằng cựu Chủ tịch nước Phúc đã “thuộc về quá khứ”, nhưng nếu ông này bị truy tố, đây sẽ là thời điểm thiết lập tiền lệ cho Việt Nam. Chiến dịch chống tham nhũng của Nguyễn Phú Trọng không bỏ sót bất kỳ lĩnh vực nào và điều này bao gồm cả các quan chức cấp cao nhất của Đảng và Nhà nước. Những viên chức này được phép nghỉ hưu và trong một số trường hợp, chẳng hạn như Lê Thanh Hải, sau đó đã bị khai trừ Đảng khi có thêm thông tin chi tiết về tham nhũng được đưa ra ánh sáng. Đối với trường hợp ông Phúc, theo Giáo sư Carl Thayer, nếu ông này bị kỷ luật, Tổng Bí thư Tô Lâm, cựu Bộ trưởng Bộ Công an, sẽ gửi một thông điệp tới các ứng cử viên tiềm năng cho “tứ trụ” rằng lý lịch của họ phải trong sạch nếu không họ sẽ phải đối mặt với việc bị sa thải.

Trao đổi với RFA, Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ cho rằng ông Tô Lâm là một tay chơi cờ lão luyện. Trong lúc ông Nguyễn Phú Trọng còn sống, ông Tô Lâm, lúc này còn là Bộ trưởng Công an, đã mạnh mẽ loại bỏ nhiều nhân vật có tiềm năng trở thành tổng bí thư. Kết quả là khi ông Nguyễn Phú Trọng qua đời thì ông Tô Lâm nhiễm nhiên trở thành tổng bí thư do không còn đối thủ .

Nhưng đường đến Đại hội 14 đầu năm 2026 còn dài. Vẫn còn nhiều nhóm chính trị thách thức quyền lực thượng đỉnh.

“Khi một ông thủ tướng lên làm việc, ông sẽ có một bộ sậu. Sau đó ông sẽ có quyền lực để ảnh hưởng, kết nối nhiều phe phái, nhiều nhóm khác nhau để họ quy thuận ông thủ tướng. Ông cựu Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hay ông đương kim Thủ tướng Phạm Minh Chính đều có nhiều lực lượng phía sau. Cho dù họ rời ghế thì quyền lực mềm của họ vẫn còn đó, những kết nối vẫn còn đó. Cho nên họ vẫn còn khả năng kết nối với nhau và có thể thể lật đổ vị trí của ông Tô Lâm.” Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ nói tiếp.

Theo tiến sĩ Vũ, ông Nguyễn Xuân Phúc dù đã về hưu nhưng vẫn nắm trong tay khả năng ngáng đường đương kim Tổng bí thư Tô Lâm. Và vì thế sẽ là đối tượng cần bị loại bỏ.

“Các nhóm mà ông Tô Lâm muốn kiểm soát là nhóm miền Trung của ông Nguyễn Xuân Phúc, nhóm Quảng Ninh của ông Phạm Minh Chính, nhóm Nghệ An Hà Tĩnh của ông Trần Cẩm Tú.” Vị tiên sĩ kinh tế kiêm nhà phân tích chính trị cho hay.

Giáo sư Zachary Abuza chia sẻ một góc nhìn chung với Tiến sĩ Vũ. Theo ông Zachary, có những dấu hiệu cho thấy Nguyễn Xuân Phúc có thể không may mắn như những người tiền nhiệm. Bởi vì Bộ Công an vẫn tiếp tục điều tra ông và vợ. Ông phân tích: 

“Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục bị điều tra không phải vì họ tham nhũng hơn những người còn lại trong ban lãnh đạo, mà bởi vì người ta phải hiểu rằng ông Phúc không chỉ là đối thủ chính trị của ông Tô Lâm mà còn là đối thủ về kinh tế nữa.  

Chỉ cần mở một cuộc điều tra công khai về ông ta đã có thể đủ để giữ ông ta trong khuôn khổ mà không cần dùng đến những bài báo giật tít mạnh.

Mai Tiến Dũng chắc chắn đang cố gắng ám chỉ cựu Thủ tướng – cựu Chủ tịch nước để tự cứu mình. Chúng ta hãy quan sát xem Nguyễn Xuân Phúc có thực sự bị khởi tố và truy tố hay không.” 

Cuộc đấu giành suất “trường hợp đặc biệt”? 

Tuổi tác là một vấn đề đối với các thành viên trong “tứ trụ” hiện nay, đến đầu năm 2026 khi Đại hội 14 của ĐCSVN diễn ra, ông Tô Lâm sẽ 69 tuổi, ông Lương Cường 69 tuổi, ông Phạm Minh Chính sẽ 67 tuổi, ông Trần Thanh Mẫn sẽ 64 tuổi.

Như vậy, cả hai ông Tô Lâm và Lương Cường đều đến tuổi phải về hưu. Ông Phạm Minh Chính không đủ tuổi để làm tiếp một nhiệm kỳ nữa. Chỉ còn ông Trần Thanh Mẫn đủ tuổi thêm một nhiệm kỳ. 

Các nhà quan sát chính trị Việt Nam đang đặt ra những khả năng khác nhau: các ông Tô Lâm, Lương Cường, Phạm Minh Chính sẽ cùng ở lại, cùng về hưu, hoặc một số phải về hưu nhưng có một người ở lại.  

Trong bối cảnh đó, quyết định của giới lãnh đạo đối với số phận của ông Nguyễn Xuân Phúc, rất có thể sẽ ảnh hưởng tới đi hay ở của các thành viên “tứ trụ” hiện thời.  

“Về trường hợp đặc biệt thì ông Tô Lâm sẽ ở lại, còn những người khác đi về. Bởi vì ai cũng ở lại hết thì không còn là “đặc biệt” nữa và không còn luật lệ nữa.”  Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ nhận định. Ông cũng cho rằng đến thời điểm Đại hội 14 diễn ra vào đầu năm 2026, ông Tô Lâm mới làm tổng bí thư khoảng hai năm. Do đó, ông sẽ không về hưu mà muốn có được nhiệm kỳ tiếp theo.  

 “Vấn đề tiếp theo nữa là ông sẽ chuẩn bị những người sẽ thay thế ông Phạm Minh Chính, ông Lương Cường. Nhiều nhà bình luận đã đưa ra ý kiến là ông Tô Lâm sẽ bắt tay với ông Nguyễn Tấn Dũng, đưa con ông Nguyễn Tấn Dũng là ông Nguyễn Thanh Nghị lên phó thủ tướng, chuẩn bị lên thủ tướng ở giai đoạn tới. Dù gì thì đó chỉ là đồn đoán chúng ta không biết chính xác được nhưng đó cũng là một khả năng.”   

Giáo sư Zachary cũng chia sẻ cùng một góc nhìn với Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ. Ông Tô Lâm sẽ “củng cố sự ủng hộ của nhóm miền Nam đối với mình, thông qua ông Nguyễn Tấn Dũng vì ông Dũng có ảnh hưởng đáng kể ở miền Nam.” 

Trên đường đến Đại hội 14, theo Giáo sư Zachary, ông Phạm Minh Chính đang bị gây sức ép với vụ bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn của công ty AIC. Đối với ông Lương Cường, Giáo sư Zachary cho rằng ông Lương Cường sẽ không bị buộc phải ra đi vì vụ bê bối ở Chile liên quan đến một thành viên trong đội cảnh vệ của ông, dù đó là một vụ đáng xấu hổ. Tuy nhiên, theo Giáo sư Zachary, điều đó có khả năng được sử dụng để chống lại ông Cường trong tương lai.

Việc số phận ông Nguyễn Xuân Phúc bị treo lơ lửng ở thời điểm này qua việc công bố lời khai của ông Mai Tiến Dũng trên báo chí, cũng như các sự kiện liên quan khác như vụ án AIC liên quan đến Thủ tướng Phạm Minh Chính, vụ việc bất ngờ cảnh vệ của Chủ tịch nước Lương Cường bị bắt ở Chile vì quấy rối tình dục… đều đang góp phần củng cố con đường đi đến Đại hội 14, sự kiện sẽ quyết định ban lãnh đạo nhiệm kỳ 2026 – 2030. Các nhà quan sát chia sẻ một nhận định chung rằng ông Tô Lâm sẽ là trường hợp đặc biệt duy nhất tại Đại hội đó.

Nguồn: Dư Lan, “Số phận Nguyễn Xuân Phúc và chính trường Việt Nam từ nay đến Đại hội 14“, RFA, 15/11/2024


Đăng ngày

trong

,

Thẻ: