Việt Nam đầu hàng trong thoả thuận thương mại với Hoa Kỳ?

Tác giả: Nguyễn Huy Vũ

Theo thông báo của tổng thống Donald Trump, Việt Nam và Hoa Kỳ đã đồng ý về một thoả thuận thương mại mới mà theo đó (i) hàng sản xuất tại Việt Nam và hàng tạm nhập tái xuất sẽ bị đánh thuế lần lượt là 20% và 40%; và (ii) điều đáng chú ý và có ảnh hưởng lâu dài đó là Việt Nam miễn toàn bộ thuế nhập khẩu đối với hàng hoá từ Mỹ. Chúng ta chưa biết chi tiết về thoả thuận thương mại, nhưng chỉ với những điều mà tổng thống Trump công bố, nó cho thấy Việt Nam thực sự đã “đầu hàng” trong cuộc thương thuyết thương mại với Hoa Kỳ, và điều này nó sẽ ảnh hưởng đến chiến lược kinh tế và sự thịnh vượng của Việt Nam trong tương lai. 

Trước hết, mức thuế 20% đối với hàng Việt Nam là rất cao và khiến hàng hoá của Việt Nam trở nên mất dần lợi thế cạnh tranh. Mức thuế 20% này cao hơn gấp đôi mức thuế 10% mà Mỹ áp dụng chung cho các nước Mỹ La Tinh, trừ một vài trường hợp đặc biệt. Các mặt hàng xuất khẩu từ Việt Nam chủ yếu là nông sản và hàng tiêu dùng đơn giản; đây cũng là những mặt hàng mà các nước Mỹ La Tinh xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Khi giá cả hàng Việt Nam tăng lên vì thuế, người tiêu dùng sẽ có nhiều lý do để chọn những sản phẩm khác. 

Mức thuế đối với hàng tạm nhập tái xuất là 40%. Dù không nói ra nhưng ai cũng biết là mức thuế này được dùng để chặn hàng Trung Quốc mượn đường Việt Nam để xuất sang Mỹ nhằm độc chiếm nền kinh tế. Mức thuế 40% này thấp hơn mức thuế hải quan 55% mà Hoa Kỳ áp đặt cho hàng Trung Quốc. Sự khác biệt chỉ là 15% — nó quá thấp để một doanh nghiệp Trung Quốc chấp nhận rủi ro để mở thêm nhà máy ở Việt Nam nhằm kiếm lợi từ sự chênh lệch thuế này, vì có thể trong tương lai Mỹ sẽ thay đổi mức thuế một lần nữa nếu mức thâm hụt thương mại vẫn tăng cao, nhưng nó đủ có lợi để các doanh nghiệp Trung Quốc đã xây nhà máy ở Việt Nam tiếp tục duy trì hoạt động tại đây thay vì đem nhà máy về lại Trung Quốc. 

Trong suốt một thời gian dài, Việt Nam phát triển nền kinh tế dựa vào đầu tư nước ngoài. Để thu hút các doanh nghiệp ngoại quốc, Việt Nam áp dụng các ưu đãi chủ yếu về thuế và nhờ nhân công giá rẻ. Tuy vậy, các ưu điểm này đang mất dần. Dự luật To Đẹp của tổng thống Donald Trump vừa được thông qua sẽ áp thuế doanh nghiệp chỉ 21%. Thêm vào đó, sự xuất hiện của các hệ thống rô-bốt kết hợp với trí tuệ nhân tạo sẽ đảm nhiệm những công việc lặp đi lặp lại. Cả hai điều đó sẽ khiến dòng vốn FDI thay vì chuyển sang các nước đang phát triển như Việt Nam sẽ chuyển sang Hoa Kỳ. 

Với cùng thể chế cộng sản, Việt Nam được các học giả cho là một mô hình thu nhỏ của Trung Quốc. Điều đó có thể đúng về mặt hệ thống hành chính và nội trị, tuy vậy có một sự khác biệt lớn về chính sách phát triển kinh tế. Trung Quốc phát triển dựa vào mô hình tăng trưởng dựa vào xuất khẩu (export-oriented policies) — mô hình mà các nước Nhật, Hàn Quốc, và Đài Loan đã đi qua trên con đường công nghiệp hoá và hiện đại hoá đất nước của họ. Trong quá trình này, Trung Quốc bảo vệ nền kinh tế bằng thuế quan, hỗ trợ tài chính và kỹ thuật nhằm nuôi dưỡng doanh nghiệp ở những lĩnh vực then chốt, giúp những doanh nghiệp này nắm chắc thị trường trong nước và song song đó là thúc đẩy họ xuất khẩu. Quá trình công nghiệp hoá trải qua ba bước, đầu tiên là bảo đảm cung cấp công việc cho người lao động, thứ hai là học hỏi những công nghệ tiên tiến, và bước cuối cùng là phát triển công nghệ cạnh tranh dựa trên nền tảng đó. Trong 50 năm cải cách kinh tế, 30 năm đầu Trung Quốc chỉ tập trung cho hai giai đoạn đầu tiên. Ở cuối giai đoạn thứ hai và giai đoạn ba, tức trong vòng 20 năm qua, chúng ta chứng kiến Trung Quốc mua lại một loạt các công ty của nước ngoài ở những lĩnh vực chiến lược nhằm nắm bắt những công nghệ tiên tiến nền tảng. Điển hình có ChemChina mua lại công ty hoá chất Syngenta của Thuỵ Sỹ, Geely mua Volvo Car của Thuỵ Điển, Wanxiang mua lại nhà sản xuất pin xe điện A123 Systems, Lenovo mua Motorola Mobility và bộ phận sản xuất máy tính cá nhân của IBM, CNOOC mua lại Nexen của Canada để phát triển thị phần dầu khí tại Bắc Mỹ, Sinopec mua lại công ty Addax Petroleum và một phần của Repsol Brasil, Jingye Group mua lại công ty thép British Steel v.v. Việc nắm giữ những công nghệ nền tảng đã cho phép Trung Quốc sáng tạo và từng bước giành lấy thị phần trên trường quốc tế.  

Nếu cho rằng Việt Nam đang đi theo con đường tăng trưởng dựa vào xuất khẩu như Trung Quốc thì Việt Nam hiện nay có lẽ vẫn đang đi ở chặng đầu tiên, tức là chính quyền chỉ đang ở mức cố gắng tạo ra nhiều công việc cho người dân, chứ chưa đến giai đoạn hỗ trợ các doanh nghiệp cập nhật công nghệ và từ đó phát triển dựa trên những công nghệ đó. Để làm được điều này, Việt Nam cũng cần phải bảo vệ thị trường nhằm hỗ trợ những doanh nghiệp còn non của mình. 

Tuy vậy, việc chính quyền đồng ý rằng mức thuế quan về 0 cho tất cả các hàng hoá của Mỹ nhập khẩu vào Việt Nam đã chính thức đặt dấu chấm hết cho chiến lược tăng trưởng dựa vào xuất khẩu. Bởi vì liệu có bao nhiêu doanh nghiệp có khả năng tạo ra những sản phẩm đủ để cạnh tranh với các sản phẩm chất lượng và rẻ từ Hoa Kỳ ngay trên chính thị trường Việt Nam? Người ta sẽ lập luận rằng người dân Việt Nam giờ đây sẽ có cơ hội mua hàng giá rẻ và chất lượng. Nhưng bao nhiêu người còn có khả năng để mua hàng khi mà chính những công ty tạo ra việc làm cho người dân buộc phải đóng cửa vì chưa thể cạnh tranh được với hàng của Mỹ. 

Hậu quả của thoả thuận này sẽ là Việt Nam đánh mất đi cơ hội công nghiệp hoá quốc gia. Một quốc gia với dân số 100 triệu như Việt Nam không thể trở thành một quốc gia giàu có và hùng mạnh nếu nó thiếu đi khu vực sản xuất mạnh mẽ. Hiểu điều đó để hiểu rằng Trung Quốc thà chấp nhận một mức thuế quan cao chứ nhất định không mở cửa thị trường hoàn toàn tự do cho hàng Mỹ, hay Mỹ cũng quyết áp đặt thuế thép khi nhập khẩu vào thị trường nội địa của mình nhằm bảo vệ ngành sản xuất thép. Một nước nghèo và đang cố gắng để trở thành một nước công nghiệp hoá như Việt Nam càng cần phải bảo vệ thị trường nội địa và hỗ trợ doanh nghiệp nội địa. 

4/7/2025