Chính phủ đã làm gì với tiền của chúng ta. Phần 3

Phần 3. Bí ẩn của ngân hàng

Sự trỗi dậy của nền kinh tế tiền tệ đã thúc đẩy hai thay đổi quan trọng đối với xã hội:

Trước tiên, vì thành quả lao động của một người giờ đây có thể quy đổi thành tiền và do đó có thể được trao đổi tự do, nên nó cho phép chuyên môn hóa lao động.

Thứ hai, nhờ tiền tệ hóa, các cá nhân có thể dễ dàng tiết kiệm cho tương lai hơn.

Bằng cách cho phép tiết kiệm và hình thành vốn, xã hội loài người đã có thể tiến xa hơn nền kinh tế nông nghiệp tự cung tự cấp. Nhưng cùng với tiết kiệm, một vấn đề quan trọng khác đã nảy sinh: an ninh.

Ngành ngân hàng cho phép người tiêu dùng cất giữ vàng hoặc bạc của họ trong các hầm được bảo vệ và đổi lại, họ nhận được biên lai giấy, thứ dễ mang theo hơn nhiều so với những đồng tiền kim loại nặng nề. Biên lai này cho phép chủ sở hữu yêu cầu nhận lại tài sản của mình bất cứ khi nào họ muốn, tương tự như giữ đồ cá nhân trong kho. Vì bất kỳ ai sở hữu biên lai đều có thể rút vàng, nên sự tiện lợi tất yếu dẫn đến việc trao đổi những tờ giấy này thay vì kim loại thực.

Những biên lai tiền tệ trở thành vật thay thế tiền.

Chừng nào ngân hàng còn có đủ vàng tương ứng với số biên lai đã phát hành—được gọi là ngân hàng dự trữ toàn phần—thì sẽ không có sự gia tăng trong cung tiền.

Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu ngân hàng nhận ra rằng số tiền gửi trong ngân hàng không cần được rút ra cùng một lúc? Ngân hàng có thể cho vay tiền của khách hàng, kiếm lợi nhuận từ khoản vay đó, rồi hoàn lại tiền vào tài khoản của khách trước khi họ rút. Nếu một khách hàng bất ngờ đóng tài khoản, ngân hàng có thể vay từ tài khoản khác để bù đắp chênh lệch.

Đây chính là ngân hàng dự trữ một phần, và đây là cách hầu hết các ngân hàng vận hành ngày nay. Khi làm như vậy, các ngân hàng lớn trở nên vô cùng sinh lợi—nhưng hệ quả kinh tế lại làm phức tạp thêm vấn đề tiền tệ.

Ví dụ, giả sử một trăm đồng vàng được gửi vào tài khoản ngân hàng.

Ngân hàng chỉ giữ mười phần trăm dự trữ trong một tài khoản, vì vậy họ cho vay chín mươi đồng vàng.

Năm mươi trong số chín mươi đồng vàng đó lại được chuyển vào tài khoản của một khách hàng khác tại ngân hàng, và ngân hàng tiếp tục cho vay bốn mươi lăm đồng vàng đó.

Từ khoản tiền gửi ban đầu là một trăm đồng xu, khách hàng đầu tiên hiện có một biên lai cho một trăm đồng, một khách hàng khác có một biên lai cho năm mươi đồng, và trên thị trường còn có thêm các khoản vay trị giá 135 đồng. Kết quả là số lượng biên lai giấy—tiền thay thế—đã gia tăng trên thị trường mà không có bất kỳ sự gia tăng nào về lượng vàng để hỗ trợ. Sự sắp xếp này cũng khác so với trường hợp khách hàng ban đầu trực tiếp cho vay năm mươi đồng, vì với khoản vay như vậy, người cho vay sẽ không kỳ vọng có thể tiếp cận được số tiền đã cho vay.

Những tờ biên lai không được bảo chứng này, giống như việc làm giả tiền xu, là một ví dụ về lạm phát, có thể được định nghĩa là sự gia tăng nguồn cung tiền trong nền kinh tế mà không đi kèm với sự gia tăng của cơ sở tiền tệ—trong trường hợp này là đồng vàng thật. Vì vậy, các “ngân hàng dự trữ một phần” này về bản chất là những tổ chức có tính lạm phát.

Cho dù số tiền bổ sung này được tạo ra bằng cách in trực tiếp tiền mới hay thông qua việc nhân lên trong hệ thống dự trữ một phần, kết quả đều là cung tiền tăng lên mà không phản ánh sự gia tăng của cải trong nền kinh tế thực. Điều này sẽ dẫn đến nhiều vấn đề khác mà chúng ta sẽ xem xét sau.

Một vấn đề khác của ngân-hàng-dự-trữ-một-phần phát sinh là khi khách hàng mất lòng tin vào ngân hàng: họ ồ ạt rút tiền. Các cuộc khủng hoảng ngân hàng gây ra những hậu quả nghiêm trọng, không chỉ vì việc rút một lượng lớn tiền từ một-ngân-hàng-sử-dụng-đòn-bẩy-quá-mức sẽ gây thiệt hại cho các khách hàng khác, mà còn vì nó có thể khiến các ngân hàng vốn được quản lý tốt hơn cũng rơi vào tình trạng căng thẳng theo những cách mà họ không lường trước được.

Do đó, nhiều lời chỉ trích về sự “bất ổn” trước khi Cục Dự trữ Liên bang ra đời không liên quan nhiều đến vàng với tư cách là tiền tệ, mà chủ yếu xuất phát từ hoạt động cho vay của chính các ngân hàng. Như chúng ta sẽ thấy, nhiều vấn đề là kết quả trực tiếp từ các chính sách của chính phủ nhằm gia tăng quyền kiểm soát đối với tiền tệ và hoạt động ngân hàng.

Để hiểu tiền tệ như hiện nay, vốn đã hoàn toàn tách rời khỏi bất kỳ loại hàng hóa nào, chúng ta cần hiểu vì sao kiểm soát tiền tệ lại quan trọng đến vậy đối với nhà nước.

NguồnWhat Has Government Done to Our Money? Mises Institute.

Biên dịch: Phong trào Duy Tân.


Thẻ: