Chính phủ đã làm gì với tiền của chúng ta. Phần 2

Phần 2. Nguồn gốc của tiền

Trước tiên, hãy bắt đầu từ điểm khởi đầu. Tiền có nguồn gốc từ đâu?

Trước khi có tiền, đã có sự trao đổi hàng hóa—một sự trao đổi trực tiếp hàng hóa hoặc dịch vụ giữa con người với nhau. Đây chính là hành vi kinh tế đặt nền tảng cho nền văn minh nhân loại.

Nếu không ai có thể trao đổi và tất cả đều buộc phải tự cung tự cấp hoàn toàn, hầu hết chúng ta sẽ chết đói, và những người còn lại cũng chỉ có thể tồn tại một cách chật vật.

Trao đổi không chỉ là mạch máu của nền kinh tế, mà còn là yếu tố cốt lõi của sự tồn tại của con người.

Một hệ thống trao đổi hàng hóa có hai vấn đề cơ bản: không thể chia nhỏ và thiếu sự trùng khớp về nhu cầu.

Hãy tưởng tượng rằng một người nông dân muốn mua một đôi giày, nhưng thợ đóng giày lại không muốn trứng. Anh ta có thể muốn thịt bò, nhưng người nông dân không muốn giết bò của mình chỉ để đổi lấy giày. Một cuộc trao đổi mà cả hai bên đều hài lòng trở nên khó khăn.

Bất kỳ nền kinh tế tiên tiến nào cũng không thể tồn tại nếu chỉ trao đổi trực tiếp đơn giản.

Nhưng loài người đã thích nghi. Bằng cách nào ư? Trao đổi gián tiếp.

Hãy xem xét trường hợp của người nông dân. Thay vì đưa ra trứng, anh ta tìm ra thứ mà thợ đóng giày thực sự muốn—bơ. Anh ta đổi bơ lấy giày. Nếu có đủ nhiều người cũng muốn bơ, người nông dân có thể mua thêm bơ, không phải để sử dụng, mà để đổi lấy các hàng hóa và dịch vụ khác.

Nhiều hàng hóa đã từng đóng vai trò này trong quá khứ: thuốc lá ở Virginia thuộc địa, đường ở Tây Ấn, đồng ở Ai Cập cổ đại. Theo thời gian, vàng và bạc đã nổi lên như một phương tiện trao đổi được chấp nhận rộng rãi trên thị trường tự do. Điều này không chỉ vì kim loại có thể được chuyển đổi thành những đơn vị bền và dễ vận chuyển, như đồng xu, mà còn bởi chúng từ lâu đã được con người ưa chuộng vì vẻ đẹp và công dụng thiết thực của chúng.

Quá trình này—sự phát triển dần dần của một phương tiện trao đổi trên thị trường tự do—là cách duy nhất để tiền có thể được hình thành từ hệ thống trao đổi hàng hóa.

Quá trình thị trường này cho phép hình thành giá cả giữa một phương tiện trao đổi và các hàng hóa, dịch vụ khác—nếu không có điều này, tiền sẽ không được định giá đúng. Như chúng ta sẽ thấy, chính phủ có thể thao túng giá trị của tiền, nhưng không thể tạo ra nó từ hư không.

Như vậy, tiền không khởi đầu như một đơn vị tính toán trừu tượng; không phải là một vật vô dụng chỉ có giá trị để trao đổi; cũng không phải là một “quyền đòi hỏi của xã hội.” Tiền đơn thuần là một loại hàng hóa. Và giống như mọi hàng hóa khác, “giá” của nó—tức là giá trị so với các hàng hóa khác—vẫn do cung và cầu quyết định.

Khi nhu cầu về tiền cao—có lẽ vì mọi người không chắc chắn về tương lai và tiết kiệm nhiều hơn—giá tiền tăng lên, đồng nghĩa với việc giá hàng hóa và dịch vụ giảm xuống. Khi nhu cầu về tiền giảm—có lẽ vì người ta sợ rằng ngày mai nó sẽ mất giá—người tiêu dùng sẽ sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn, đồng nghĩa với việc giá cả tăng lên.

Khi có các loại tiền tệ cạnh tranh, giá cả cũng có thể thay đổi giữa các loại tiền khác nhau. Trước đây, nhu cầu của người tiêu dùng có thể làm thay đổi giá trị của bạc so với vàng. Ngày nay, nó có thể ảnh hưởng đến tỷ giá hối đoái giữa đồng đô la và đồng euro. Những tỷ giá này có thể biến động tự do trên thị trường.

Nhưng làm thế nào chúng ta lại chuyển từ tiền vàng và bạc sang đô la và euro như hiện nay?

Để hiểu điều đó, trước tiên chúng ta phải hiểu về một dịch vụ đã xuất hiện như một hệ quả của tiền tệ: ngân hàng.

NguồnWhat Has Government Done to Our Money? Mises Institute.

Biên dịch: Phong trào Duy Tân.


Thẻ: