Cách nghĩ về nền kinh tế: Một hướng dẫn cơ bản (Chương 3)

Tác giả: Per L. Bylund. 

Chương 3. Cách Nghiên cứu Kinh tế học.

Kinh tế học thường bị chỉ trích là mang tính “ý thức hệ”— vì nó thúc đẩy thị trường tự do. Đây là một sự hiểu lầm.

Thị trường tự do trong kinh tế học là một mô hình—một công cụ phân tích. Nó loại bỏ các hoàn cảnh và ảnh hưởng phức tạp để chúng ta có thể nghiên cứu hiện tượng kinh tế cốt lõi một cách độc lập, tránh nhầm lẫn với các hiệu ứng khác. Trong kinh tế học, chúng ta quan tâm đến việc hiểu bản chất và mối quan hệ của các lực lượng kinh tế. Nói cách khác, chúng ta loại bỏ các yếu tố cản trở nền kinh tế, chẳng hạn như các quy định, đó là những thứ can thiệp vào hành vi của con người và do đó ảnh hưởng đến các kết quả kinh tế. Kết quả là một nền kinh tế nơi chỉ có các lực lượng kinh tế hoạt động—đó là một “thị trường tự do.”

Mô hình thị trường tự do có cùng mục đích như việc nghiên cứu vật thể rơi tự do trong vật lý. Mô hình rơi tự do loại bỏ các yếu tố như lực cản không khí để nghiên cứu tác động của lực hấp dẫn. Không thể nghiên cứu lực hấp dẫn nếu không tách nó ra khỏi các lực khác vốn cũng ảnh hưởng đến vật thể, vì nó có thể tăng hoặc giảm hiệu ứng của trọng lực. Kinh tế học sử dụng mô hình thị trường tự do, hay cũng có thể gọi là mô hình không bị cản trở, theo một cách tương tự là để nghiên cứu các lực lượng kinh tế mà không bị ảnh hưởng bởi các yếu tố khác. Chúng ta cần biết nền kinh tế tự vận hành như thế nào trước khi nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến nó.

Kinh tế học ủng hộ và thúc đẩy thị trường tự do cũng giống như vật lý thúc đẩy rơi tự do. Lý luận kinh tế không thể thiếu mô hình thị trường tự do.

Ý NGHĨA CỦA TRAO ĐỔI 

Kinh tế học dựa vào lý luận kinh tế—sử dụng logic để giải thích tại sao/tại sao không và khi nào/khi nào không. Đây là cách để chúng ta hiểu những gì đang thấy và khám phá các quá trình kinh tế bị ẩn phía sau. Hãy minh họa bằng một ví dụ về giao dịch trao đổi cơ bản giữa hai cá nhân, Adam và Beth.

Giả sử Adam đưa cho Beth một quả táo, và Beth đưa lại cho Adam một lít sữa. Có hai cách để phân tích giao dịch này. Một là nghiên cứu thực nghiệm, bằng cách quan sát giao dịch trong thực tế và thu thập dữ liệu “khách quan,” tức là dữ liệu có thể đo lường trước, trong và sau khi giao dịch diễn ra. Dựa vào các dữ liệu này, chúng ta có thể mô tả những gì đã xảy ra và tìm kiếm lời giải thích.

Không cần đi sâu vào chi tiết để thấy phương pháp này không phù hợp để hiểu ý nghĩa của trao đổi đối với lý luận kinh tế. Ngay cả khi nghiên cứu chi tiết về các giao dịch thực nghiệm, chúng ta cũng không thể khám phá lý do tại sao quả táo chuyển từ Adam sang Beth, tại sao sữa lại di chuyển theo hướng ngược lại, hoặc liệu hai sự chuyển đổi này có liên quan đến nhau không. Dữ liệu quan sát không có ý nghĩa; chúng không thể nói gì hơn ngoài các sự kiện quan sát được về ai sở hữu cái gì và khi nào. Nói một cách chính xác, dữ liệu thậm chí không thể chứng minh rằng đã có một giao dịch xảy ra.

Kinh tế học không chỉ đơn thuần mô tả rằng “Adam có một quả táo và Beth có sữa” và một phút sau “Beth có quả táo và Adam có sữa.” Điều này liên quan đến việc hiểu rằng đây là một quá trình trao đổi và ý nghĩa của việc trao đổi đối với các bên tham gia. Chúng ta biết rằng điều này phải có một ý nghĩa nào đó vì họ đã chọn thực hiện nó. Trao đổi không đơn thuần là kết quả của các kích thích bên ngoài. Trao đổi cũng không xảy ra một cách tự động.

Nhưng để nghiên cứu điều này, chúng ta phải lập luận từ sự hiểu biết của mình về hành động của Adam và Beth. Nói cách khác, chúng ta nhận ra—sử dụng cái gọi là sự hiểu biết tiên nghiệm—rằng cả hai thực tế đang hành động và do đó đang cố gắng đạt được điều gì đó. Hành động của con người, như Ludwig von Mises nhắc nhở, là hành vi có mục đích.

Với sự hiểu biết này, chúng ta dễ dàng nhận ra rằng đây thực sự là một giao dịch: Adam đã trao đổi quả táo của mình để lấy sữa của Beth. Vì Adam và Beth trao đổi hàng hóa, chúng ta cũng biết rằng—trừ khi một trong hai người bị ép buộc hoặc bị lừa dối—cả hai đều mong muốn đạt được lợi ích tốt hơn với những gì nhận được từ việc trao đổi. Vì vậy, họ đã trao đổi Adam coi trọng sữa hơn quả táo Beth coi trọng quả táo hơn sữa.

Kết luận này có vẻ hiển nhiên, và đúng là như vậy: tất cả chúng ta đều có một sự hiểu biết cơ bản rằng hành động của con người là một nỗ lực có mục đích để đạt được một mục tiêu mà chúng ta cho là có giá trị lớn hơn. Chúng ta hành động vì muốn có sự thay đổi và vì nghĩ rằng sự thay đổi đó sẽ tốt hơn theo một cách nào đó.

Dựa trên sự hiểu biết cơ bản này, chúng ta hiểu được giao dịch của Adam và Beth. Chúng ta có thể không đồng ý với cách họ đánh giá, nhưng điều đó không quan trọng. Chúng ta vẫn hiểu rằng trao đổi tự nguyện phải dựa trên “sự trùng hợp kép về mong muốn”—cả Adam và Beth đều kỳ vọng sẽ trở nên tốt hơn từ giao dịch (nếu không, họ sẽ không chọn làm điều đó).

GIÁ CẢ VÀ GIÁ TRỊ

Trong ví dụ của chúng ta, Adam và Beth đã thực hiện trao đổi kinh tế mà không bị cản trở— đó là một giao dịch trong thị trường tự do. Đây là một ví dụ được đơn giản hóa rất nhiều, nhưng sự đơn giản không phải là vấn đề. Nó là một lợi thế vì nó cho phép chúng ta nhận diện các quá trình và cơ chế cốt lõi. Chúng ta sẽ không đạt được sự hiểu biết bổ sung nào nếu làm phức tạp ví dụ về trao đổi này với các quy định, yêu cầu giấy phép, định nghĩa pháp lý, chỉ thị về sức khỏe, thuế, v.v. Thêm những yếu tố này vào thực sự sẽ làm cho việc hiểu chuyện gì đang diễn ra trở nên khó khăn hơn. Có quá nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng đến quyết định của Adam và Beth.

Vì vậy, việc nghiên cứu sự trao đổi như là một sự trao đổi thuần túy, mà không có các yếu tố phức tạp, là hoàn toàn hợp lý để chúng ta có thể học được ý nghĩa của sự trao đổi như chính bản chất của nó. Điều này cũng có nghĩa là chúng ta có thể thêm các yếu tố khác để xem chúng thay đổi kết quả như thế nào và học được cách các yếu tố đó liên hệ với, hoặc tác động đến, sự trao đổi. Chúng ta làm điều này từng bước, bắt đầu từ cốt lõi, sau đó thêm các yếu tố bổ sung. Nếu chúng ta không hiểu bản chất của chính sự trao đổi, thì cũng không thể hiểu cách các yếu tố khác ảnh hưởng đến nó.

Có lẽ Beth là một người chăn nuôi bò sữa rất thích những quả táo mà Adam trồng trong vườn của anh ta và sẵn sàng trao đổi cả một gallon (bốn lít) sữa chỉ để lấy một quả táo. Có thể cô ấy nghĩ rằng táo của Adam ngon đến mức đó. Vì vậy, việc “trả” một lít sữa để lấy một quả táo là một thỏa thuận tuyệt vời đối với cô. Không có gì ngạc nhiên khi cô ấy đồng ý với giao dịch!

Nhưng điều tương tự cũng đúng theo chiều ngược lại. Chúng ta phải kết luận rằng Adam cũng coi một lít sữa là một “mức giá” tốt để thực hiện giao dịch. Anh ta đánh giá một lít sữa của Beth cao hơn quả táo của mình. Nếu không, giao dịch sẽ không diễn ra. Vì vậy, mặc dù đúng là Adam có thể nhận được nhiều sữa hơn cho một quả táo— có thể đến bốn lần—nhưng một lít sữa mà anh ta nhận được rõ ràng là đủ để khiến giao dịch này là đáng giá đối với anh ta. Có thể anh ta sẵn sàng trả hai quả táo cho một lít sữa. Vì vậy, khi chỉ phải trả một quả táo, đó là một món hời từ góc độ đánh giá cá nhân của anh ta.

Tuy nhiên, chúng ta không cần biết giá trị thực sự mà Adam và Beth đánh giá. Thực tế, họ cũng không cần biết điều đó. Tất cả những gì quan trọng là cả hai đều coi giao dịch là “đáng giá.” “Giá cả” mà họ trả sẽ không cao hơn giá trị mà họ đánh giá đối với những gì họ nhận được. Ví dụ, nếu Adam không chấp nhận bất cứ điều gì dưới năm lít sữa cho một quả táo, thì giao dịch sẽ không xảy ra, bởi vì điều đó sẽ không đáng giá đối với Beth.

Có vẻ hiển nhiên, đúng không? Đúng vậy, nhưng chúng ta đã học được rất nhiều qua việc làm rõ những điều kiện cần thiết để giao dịch diễn ra. Chúng ta đã xác định các điều kiện cần cho trao đổi (cả hai bên phải kỳ vọng đạt được lợi ích từ giao dịch, và “giá” mà mỗi bên trả không được cao hơn giá trị họ đặt ra đối với thứ họ nhận được) và phân biệt giữa trao đổi tự nguyện, vốn phải mang lại lợi ích đôi bên, và chuyển giao không tự nguyện (như trộm cắp). Mặc dù chúng ta chưa phân tích sâu về trường hợp thứ hai, nhưng dễ dàng thấy rằng không bên nào, hoặc cả hai, sẽ tham gia vào một giao dịch không mang lại lợi ích cho họ trừ khi bị ép buộc. Hoặc nếu họ bị lừa hoặc có sự gian lận xảy ra.

CƠ CHẾ GIÁ CẢ

Hãy thêm một nhân vật thứ ba, Charlie, người trồng lê. Beth rất thích loại trái cây mới lạ ngon lành này và sẵn sàng trao đổi toàn bộ số sữa của mình để lấy một giỏ đầy lê. Đó là ba gallon (mười hai lít) đổi lấy mười lăm quả lê. Sau đó, Adam đến và cố gắng lặp lại giao dịch hôm qua với Beth, nhưng Beth đã hết sữa. Ngày hôm sau, Adam đến gặp Beth sớm hơn để có cơ hội “mua” sữa trước khi Charlie lấy hết. Beth thích lê của Charlie hơn táo, nhưng Adam nói anh sẵn sàng đổi hai quả táo lấy một lít sữa. Vì giờ đây sữa của cô đổi được gấp đôi số táo so với trước, cô bắt đầu cân nhắc.

Ví dụ đơn giản này cung cấp hiểu biết sâu sắc về cách cơ chế giá cả hoạt động. Giá cả là các tỷ lệ trao đổi. Chúng không được xác định một cách ngẫu nhiên mà dựa trên sự xếp hạng giá trị của mọi người đối với các hàng hóa khác nhau. Chúng ta có thể thấy rằng giá cả có những giới hạn nhất định. Giới hạn của Beth là một gallon sữa đổi một quả táo. Cô không nghĩ rằng trả nhiều hơn sẽ đáng giá. Nhưng với cơ hội mới để đổi lấy lê, Beth không còn coi táo đáng mua ngay cả ở mức giá một lít sữa. Điều này rõ ràng từ việc hôm qua cô chỉ mua lê. Giá trị của một quả táo đối với cô có thể không thay đổi, nhưng cô đánh giá cao thỏa thuận cô có thể nhận được từ lê hơn. Quyết định mua sắm của chúng ta dựa trên sự so sánh giá trị như vậy. Chúng mang tính tương đối: chúng ta theo đuổi những gì chúng ta đánh giá cao nhất, và mức giá mà chúng ta chấp nhận trả bị giới hạn bởi cách chúng ta định giá những gì mình nhận được và những gì chúng ta đưa ra để thanh toán.

Chúng ta có thể sử dụng ví dụ này để xác định các tỷ lệ trao đổi (giá cả) trên thị trường tự do giữa táo, lê, và sữa, dựa trên sự định giá hiện tại của Adam, Beth, và Charlie. Với Beth, việc đổi một lít sữa lấy một quả táo là xứng đáng. Nhưng sẽ là không nếu cô có thể nhận được năm quả lê cho một gallon sữa – đó là một thỏa thuận tốt hơn cho cô. Giờ đây, Adam đang đề nghị hai quả táo cho mỗi lít sữa, điều mà Beth đang cân nhắc. Nếu cô đồng ý, thì có vẻ như Beth đánh giá lê ở mức đâu đó giữa một và hai quả táo. Chúng ta không thể xác định chính xác hơn, ngay cả khi giả định rằng sở thích của Beth đối với táo và lê không thay đổi. Điều chúng ta có thể làm là ghi lại các tỷ lệ trao đổi theo thời gian. Có vẻ như một quả táo đã được trao đổi với một lít sữa vào ngày đầu tiên, năm quả lê đổi lấy một gallon sữa vào ngày thứ hai, và hai quả táo đổi lấy một lít sữa vào ngày thứ ba. Nhưng chúng ta không quan sát được và không biết gì về giới hạn trong giá trị của ba người này, hoặc cách chúng có thể thay đổi theo thời gian.

Đây chính là logic của giá cả. Khi thêm nhiều người hơn và nhiều hàng hóa hơn, việc theo dõi tất cả mọi người và mọi thứ sẽ trở nên khó khăn hơn. Nhưng cơ chế vẫn giống nhau. Giá cả là các tỷ lệ trao đổi. Điều này vẫn đúng ngay cả khi mọi người bắt đầu sử dụng một trong các hàng hóa làm phương tiện trao đổi chung, chẳng hạn như tiền. Nếu mọi người bắt đầu đề cập đến giá cả hàng hóa bằng số lượng sữa cần để mua chúng, thì việc so sánh giá cả sẽ dễ dàng hơn. Nhưng giá cả vẫn là các tỷ lệ trao đổi và các giao dịch vẫn là vì lợi ích chung.

PHƯƠNG PHÁP TỪNG BƯỚC

Hầu hết các thông tin quan trọng mà chúng ta nhận được từ ví dụ của Adam, Beth, và Charlie không dựa trên quan sát mà dựa trên sự hiểu biết trước đó về hành động con người. Bởi vì chúng ta hiểu rằng con người hành động để đạt được điều mà họ coi trọng và rằng họ tham gia vào trao đổi với người khác để cùng có lợi, chúng ta có thể hiểu được ý nghĩa của các giao dịch của Adam, Beth, và Charlie, cũng như các tỷ lệ trao đổi mà họ xác định. Chỉ đơn giản quan sát ai sở hữu cái gì vào lúc nào, hoặc thậm chí “cơ chế” của giao dịch, là không đủ để hiểu được chuyện gì đang diễn ra. Tương tự, trong toàn bộ nền kinh tế: chúng ta không thể chỉ thực hiện hai quan sát và giả vờ rằng mình đã hiểu các quá trình gây ra sự khác biệt giữa chúng. Chúng ta cần phải phân tích logic của hành động để làm rõ những gì thực sự đã diễn ra.

Hãy chuyển sang một ví dụ về nền kinh tế tiền tệ (chúng ta sẽ thảo luận về tiền ở Chương 6). Tiền có một sức mua nhất định: chúng ta cần một lượng cụ thể để mua các loại hàng hóa khác nhau. Nhiều nhà kinh tế, cả trong quá khứ và hiện tại, hoàn toàn đúng khi tuyên bố rằng lượng cung tiền (tức là số lượng tiền có sẵn) ảnh hưởng đến giá cả hàng hóa. Khi tiền mới được tạo ra, sẽ có nhiều tiền hơn để mua cùng một số lượng hàng hóa, vì vậy giá cả hàng hóa tính theo tiền có xu hướng tăng lên. Nếu số lượng hàng hóa có sẵn để mua không đổi nhưng lượng cung tiền lại giảm, thì tiền sẽ trở nên khan hiếm hơn—vì vậy giá cả hàng hóa tính theo tiền có xu hướng giảm. 

Nhưng điều này không có nghĩa là chúng ta cũng có thể kết luận rằng có mối quan hệ tỷ lệ thuận giữa lượng cung tiền và giá cả hàng hóa. Việc tăng gấp đôi lượng cung tiền sẽ không làm tăng gấp đôi tất cả giá cả. Thực tế, ngay cả khi chúng ta bằng cách nào đó tăng gấp đôi lượng tiền qua một đêm, khiến mọi người khi thức dậy vào ngày hôm sau phát hiện ra rằng số tiền trong mỗi tài khoản ngân hàng, ví tiền, và dưới đệm đã tăng gấp đôi, chúng ta vẫn không thể nói rằng giá cả của tất cả hàng hóa sẽ tăng gấp đôi. Tại sao? Bởi vì con người không phản ứng theo cùng một cách hoặc cùng một thời điểm đối với sự gia tăng gấp đôi số tiền mặt mà họ sở hữu. Giá cả mới, giống như giá cả cũ, sẽ được xác định bởi hành động của con người.

Để sử dụng lý luận kinh tế đúng đắn, chúng ta phải đi qua logic từng bước để xem xét đầy đủ các thay đổi xảy ra theo thời gian và theo trình tự. Chúng ta biết rằng giá cả là các tỷ lệ trao đổi, được xác định bởi cung (số lượng hàng hóa được chào bán) và cầu (số lượng hàng hóa mà con người sẵn sàng mua). Nhưng việc tăng gấp đôi tiền mặt của một người không có nghĩa là họ sẽ mua gấp đôi số lượng của cùng một loại hàng hóa. Thay vào đó, họ sẽ luôn hành động để mua những hàng hóa đáp ứng tốt nhất nhu cầu của họ so với những hàng hóa khác đang có sẵn.

Nói cách khác, nếu trước khi lượng tiền mặt của mọi người tăng gấp đôi, họ đã mua hai cân bơ, thì không có lý do gì để chúng ta kỳ vọng họ sẽ mua bốn cân bơ. Thay vào đó, có khả năng cao rằng có những hàng hóa khác đáp ứng nhu cầu của họ tốt hơn là cân bơ thứ ba và thứ tư, và họ sẽ hành động để mua những hàng hóa đó. Rốt cuộc, phải có lý do tại sao trước đó họ không mua cân bơ thứ ba. Trong bất kỳ tình huống nào, như chúng ta đã học, cá nhân sẽ theo đuổi những mục tiêu mà họ coi là có giá trị cao nhất đối với họ.

Tương tự như Beth trong ví dụ ở trên đã chọn lê thay vì táo, sau đó lại chọn táo thay vì lê khi Adam đưa ra một thỏa thuận tốt hơn. Những người thức dậy với nhiều tiền hơn sẽ theo đuổi bất kỳ giao dịch nào mà họ nghĩ sẽ mang lại lợi ích lớn nhất. Một số có thể chỉ đơn giản là mua nhiều hơn các hàng hóa giống nhau; những người khác có thể chọn mua thêm các mặt hàng khác ngoài những thứ họ thường mua; và một số khác có thể mua những thứ hoàn toàn khác. Điều này có nghĩa là cầu đối với các hàng hóa cụ thể được chào bán sẽ thay đổi theo nhiều cách khác nhau: một số hàng hóa sẽ có nhu cầu tăng, một số sẽ giảm, và một số có thể không thay đổi hoặc chỉ thay đổi rất ít. Điều này làm thay đổi giá cả trên thị trường. Nhu cầu tăng sẽ làm giá của một số hàng hóa tăng và ngược lại.

Các cá nhân không phải lúc nào cũng hành động cùng một lúc: một số sẽ hành động sớm hơn, trước khi giá cả được điều chỉnh, điều đó có nghĩa là sức mua của họ, với giá hàng hóa hiện tại, thực sự đã tăng gấp đôi. Các giao dịch thực tế của họ (cầu của họ) sẽ ảnh hưởng đến giá cả của những hàng hóa họ mua, điều này có nghĩa là những người hành động sau có thể phải đối mặt với giá cao hơn đối với các hàng hóa mà những người hành động sớm đã chọn mua. Giá cả được xác định bởi hành động của con người, không phải bởi một công thức toán học.

Hãy tưởng tượng nếu những người ở trên hành động sớm nhưng không mua thêm hai cân bơ với số tiền tăng thêm của họ. Thay vào đó, họ tiêu tiền để mua kẹo. Điều này có nghĩa là lượng kẹo đó đã được bán hết khi những người hành động sau muốn mua. Lượng kẹo còn lại trở nên khan hiếm hơn, và người chủ cửa hàng sáng suốt có thể tăng giá để tận dụng sự gia tăng đột ngột của nhu cầu. Kết quả là, những người hành động sau sẽ phải đối mặt với tình huống giá cả khác so với những người hành động sớm, với một số giá sẽ cao hơn và một số giá thì không—hoặc thậm chí có thể thấp hơn so với trước đó. Hành động của họ sẽ phụ thuộc vào các giao dịch cụ thể mà họ gặp phải, nhưng không có lý do gì để giả định rằng hành động của mọi người sẽ tự cân bằng một cách bí ẩn để tất cả giá cả đều tăng đúng gấp đôi so với ngày hôm trước. Điều mà chúng ta có thể kết luận là giá cả nói chung sẽ có xu hướng tăng lên vì có nhiều tiền hơn nhưng không có thêm hàng hóa. Tuy nhiên, giá của tất cả các loại hàng hóa sẽ không tăng tỷ lệ thuận với cung tiền.

Phân tích từng bước như vậy cho thấy rằng kết luận phổ biến rằng việc tăng gấp đôi lượng tiền sẽ làm tất cả giá cả tăng gấp đôi là vội vàng và không có cơ sở. Giá cả điều chỉnh không đồng đều và ở những thời điểm khác nhau. Do đó, sẽ là sai lầm khi nói rằng tiền là “trung lập” trong nền kinh tế. Thậm chí ngay cả tiền được tạo ra một cách “thần kỳ” cũng không trung lập.

KINH TẾ HỌC NHƯ MỘT KHOA HỌC XÃ HỘI 

Phân tích từng bước trong lý luận kinh tế làm nổi bật sự khác biệt lớn giữa các khoa học xã hội như kinh tế học và các khoa học tự nhiên như hóa học hay địa chất học. Chúng ta không thể chỉ dựa vào quan sát và đo lường để hiểu các hiện tượng xã hội, và cũng không thể dựa vào phân tích tĩnh hoặc các số liệu tổng hợp. Điều cần thiết là phải xem nền kinh tế như một quá trình— một hệ thống phức tạp, thích nghi và luôn phát triển—và đi qua logic từng bước để khám phá các quá trình và các tác động thực tế khi chúng diễn ra theo thời gian.

Điều này có nghĩa là lý thuyết trong các khoa học xã hội có vai trò và ý nghĩa cụ thể khác biệt so với việc sử dụng trong các khoa học tự nhiên. Lý thuyết đi trước quan sát và cho phép chúng ta hiểu những gì đang diễn ra, chứ không phải theo chiều ngược lại. Lý thuyết cung cấp cho chúng ta một khuôn khổ để hiểu những gì chúng ta quan sát được bằng cách làm sáng tỏ các quá trình cơ bản, nhưng nó không thể được sử dụng để dự đoán kết quả chính xác. Để đưa ra các dự đoán như trong các lĩnh vực khoa học tự nhiên, chúng ta sẽ cần biết các đánh giá chủ quan thực tế của con người, thấy những gì họ thấy và hiểu cách họ nhận thức tình huống của mình. Nhưng tất cả những điều này không có sẵn cho chúng ta với tư cách là người quan sát.

Do đó, khoa học xã hội, và vì thế kinh tế học, tất yếu mang tính lý thuyết theo một nghĩa khác so với khoa học tự nhiên. Lý thuyết bao gồm những gì có thể được suy luận một cách logic từ hành động của con người—nó là lời giải thích của chúng ta về tất cả các hiện tượng xã hội dựa trên sự hiểu biết của chúng ta về ý nghĩa của hành động. Suy cho cùng, tất cả các hiện tượng xã hội đều có điểm chung này: chúng là kết quả của các hành động của con người.

Điều này có nghĩa là lý thuyết trong khoa học xã hội có phạm vi hạn chế hơn so với lý thuyết trong khoa học tự nhiên, nhưng nó cũng đáp ứng một tiêu chuẩn cao hơn nhiều: lý thuyết trong khoa học xã hội là đúng, chứ không chỉ đơn thuần là những giả thuyết chờ bị bác bỏ.


Đăng ngày

trong

,